Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Đề xuất kiểm soát giá sách giáo khoa
Chiều ngày 19/9, tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chínhHồ Đức Phớc cho biết, trong nội dung dự thảo Luật, chính sách về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá đã đề xuất nội dung: Củng cố nguyên tắc xác định Danh mục hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn yêu cầu quản lý và các nguyên tắc thị trường.
Cùng với đó, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết danh mục; đẩy mạnh phân công, phân cấp nhiệm vụ định giá cho các Bộ, ngành, địa phương, qua đó phân định rõ về nhiệm vụ, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ gắn với chuyên môn, chuyên ngành.
Tại dự thảo Luật đã cụ thể hóa chính sách như sau: Về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật 2012 tiếp tục được kế thừa thì tại Luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh” nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhập tại Luật giá.
Qua rà soát cho thấy những mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành thời gian qua có tính chất độc quyền hoặc thị trường cạnh tranh hạn chế nhất định nên việc bổ sung vào Danh mục để có sự điều tiết nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc các mục tiêu an sinh, phát triển kinh tế xã hội là phù hợp. Việc bổ sung tiêu chí trên về cơ bản đảm bảo không quá rộng để tránh các trường hợp không thật sự cần thiết
Qua rà soát, đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào danh mục gồm sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sản xuất.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ đề nghị bổ sung vấn đề sách giáo khoa do đây là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá.
"Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao do Bộ Giáo dục và đào tạo định giá cụ thể" - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, đối với giá sách giáo khoa, đây là mặt hàng thiết yếu. Giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp.
Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay có nhiều đơn vị được phép phát hành sách, thị trường có tính cạnh tranh.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị, nhà nước quy định giá bán tối đa, không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm và quyền lợi của người dân. Đồng thời cần kiểm soát việc tổ chức thực hiện, bảo đảm không để thông đồng giá.
Phát biểu ngay sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng đồng tình quan điểm với việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá, dịch vụ do nhà nước định giá. Bởi sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân.