Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy định cụ thể các phương pháp định giá đất
Làm rõ hơn tính chất của dự án khu đô thị thuộc trường hợp xem xét thu hồi đất
Sáng 15/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất các phương án chính sách về các nội dung đã báo cáo, xin ý kiến tập trung thảo luận của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Cụ thể, về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.
Về thiết kế kỹ thuật chính sách, quy định tại dự thảo Luật làm rõ hơn tính chất của dự án khu đô thị thuộc trường hợp xem xét thu hồi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng”.
Thiết kế kỹ thuật như vậy tương tự và đồng nhất với cách thiết kế kỹ thuật tại các khoản khác của Điều 79. Điều 79 chỉ quy định về các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi thực hiện thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại Điều 79 sẽ phải đáp ứng các căn cứ, điều kiện quy định tại Điều 80 về “Căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Điều 72 về “Thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” đã có quy định về việc trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất, trong đó có dự án thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu.
Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc trường hợp thu hồi đất.
Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất, Dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng ưu tiên người đang có quyền sử dụng đất. Người đang có quyền sử dụng đất có đề xuất dự án đầu tư nếu thuộc trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 79 của Luật này nhưng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và người đang có quyền sử dụng đất đó có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật này.
Phương án này góp phần đẩy mạnh thực hiện định hướng thương mại hóa quyền sử dụng đất; khuyến khích người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng, thực sự là công cụ định hướng của Nhà nước phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.
Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thẩm định dự án đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; phòng tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất, các nhà đầu tư khác phải liên doanh, hợp tác với các tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, hoặc phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại đất từ các tổ chức, cá nhân này. Việc sửa đổi như vậy cũng đòi hỏi rà soát các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Quy định các trường hợp, điều kiện áp dụng với từng phương pháp định giá đất
Về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp (Điều 158), dự thảo Luật quy định theo hướng rõ ràng về nội hàm các phương pháp định giá đất trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật đất đai, trong đó, quy định cụ thể tại dự thảo Luật các phương pháp định giá đất bao gồm: So sánh, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh.
Khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV |
Đồng thời, quy định các trường hợp, điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất. Phương án được thể hiện tại dự thảo Luật là phương án Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 710/BC-CP. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để áp dụng trong thực tế bảo đảm tính khả thi.
Về một số nội dung lớn khác tiếp thu, chỉnh lý, ông Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến tại Báo cáo số 710/BC-CP, chỉnh sửa một số nội dung sau tại dự thảo Luật: Chỉnh sửa quy định về giá đất cụ thể không áp dụng khi tính giá trị quyền sử dụng đất đối với đất do doanh nghiệp nhà nước sử dụng khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là “đất cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” (Điều 160).
Bổ sung quy định “Trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là tài sản công thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật này thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (Điều 84).
Chỉnh sửa nội dung sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp về nguyên tắc chuyển mục đích sử dụng rừng: “Không chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết theo tiêu chí do Chính phủ quy định”.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tiếp tục chỉnh sửa một số nội dung sau: Chỉnh sửa, làm rõ trường hợp cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất ở lần 1, nay thiếu đất ở thì cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Chỉnh sửa quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất cho cá nhân là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đất đai lần 2 thực hiện có điều kiện quyền sử dụng đất, bảo đảm rõ ràng và chặt chẽ.