Dữ liệu lớn và điện toán đám mây chuẩn bị cách mạng hóa ngành ngân hàng
Covid-19 khiến việc áp dụng các công nghệ mới tăng mạnh
Những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi trải nghiệm khách hàng, từ đó, tiến tới thời khắc quyết định đối với những định chế tài chính nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này. Các ngân hàng và các định chế tài chính khác có thể nắm bắt và hiểu rõ hơn những mong muốn của khách hàng, qua đó, cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, phù hợp hơn với từng khách hàng một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, với dân số phát triển nhanh và ngày càng am hiểu về công nghệ số, ngành dịch vụ tài chính không bị kìm hãm bởi các hệ thống xưa cũ, các ngân hàng đang đặc biệt có lợi thế trong việc ứng dụng một cách nhanh chóng những tiến bộ về dữ liệu lớn và điện toán đám mây so với các ngân hàng quốc tế lâu đời.
Theo Temenos, các ngân hàng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn bất kể ngành nào trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo |
Đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ áp dụng các công nghệ mới tăng mạnh. Kênh ứng dụng công nghệ số trở nên thiết yếu khi khách hàng phải ở nhà và tránh đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng. Trong báo cáo của Citibank, một ngân hàng cho vay của Hoa Kỳ, hoạt động sử dụng Apple Pay trong thời kỳ giãn cách xã hội đã tăng gấp 10 lần. Song song với đó, việc các chi nhánh ngân hàng đóng cửa cũng thúc đẩy người dùng sử dụng các ứng dụng số.
Mặc dù quá trình số hóa ngành ngân hàng đã diễn ra lâu nay, nhưng giờ đây, quá trình này mới được thực hiện một cách có cấu trúc hơn. Nói một cách đơn giản, các kênh ứng dụng công nghệ số sẽ trở thành phương thức mặc định để phục vụ khách hàng hiện tại và thu hút khách hàng mới, và điều này sẽ xảy ra sớm hơn dự tính của tất cả chúng ta. Ngân hàng cần mạnh dạn thay đổi diện mạo mới cho các kênh giao dịch của mình dựa trên một tầm nhìn tích hợp cho hoạt động phân phối.
Trong một số ngành, ví dụ như ngành bán lẻ, sự tách biệt giữa “nhà máy” - nơi sản phẩm được tạo ra - và “cửa hàng” - nơi tiêu thụ sản phẩm - đang ngày càng trở nên rõ ràng do chuỗi cung ứng, phương thức phân phối và phạm vi tiếp thị đều đã phát triển mạnh mẽ. Đổi lại, sự tách biệt trên đã tạo ra những lợi thế kinh tế nhờ quy mô, nghĩa là các nhà cung cấp có thể mang đến các sản phẩm đa dạng và tốt hơn cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
Về mặt này, các ngân hàng cũng không phải ngoại lệ. Họ đang xây dựng năng lực phát triển và ra mắt các sản phẩm mới với tốc độ nhanh tương đương những tập đoàn công nghệ lớn như Google hay Facebook, với rất nhiều những nhà phát triển “siêu ứng dụng” như Alipay. Những tiến bộ mới nhất về năng lực tính toán đã tạo ra khả năng bổ sung mạng lưới phân phối và tiếp cận khách hàng mới từ xa, từ đó, chuyển đổi ngành ngân hàng.
Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, các định chế tài chính có thể xác định chính xác hơn mong muốn của khách hàng, từ đó, tận dụng những lợi thế kinh tế nhờ quy mô thông qua hướng dẫn “nhà sản xuất” (đối với các ngân hàng, đó là bộ phận hành chính - hỗ trợ (back office), nơi thiết kế các sản phẩm tài chính như các khoản vay cá nhân) nhanh chóng tạo ra sản phẩm phù hợp nhất với khách hàng, sau đó, cùng với bộ phận bán và tiếp xúc khách hàng trực tiếp, ứng dụng công nghệ số và điện toán đám mây để nhanh chóng thiết kế trải nghiệm người dùng, tiếp thị và triển khai sản phẩm mới nhằm mang lại lợi ích cho bản thân tổ chức cũng như khách hàng.
Lợi thế của ngân hàng Việt Nam trong “cuộc đua” công nghệ
Trong khi các công ty công nghệ có dữ liệu khách hàng phong phú, các ngân hàng lại sở hữu tất cả các dữ liệu giao dịch của khách hàng theo thời gian thực mà các công ty công nghệ đang thiếu. Bằng việc phân tích chuyên sâu, ngân hàng có thể cung cấp sản phẩm mới phục vụ đối tượng cụ thể tại mọi thời điểm quan trọng trong hành trình tài chính của khách hàng, qua đó đạt được mục tiêu kép là tạo cơ hội kinh doanh mới và củng cố niềm tin của khách hàng.
Các công nghệ mới nhất đang hỗ trợ các tổ chức tài chính tận dụng tối đa dữ liệu và nhanh chóng ra mắt các sản phẩm mới. Làn sóng mạnh mẽ tiếp theo sẽ là dữ liệu mạng xã hội, mạng lưới mà các khách hàng đang hướng vào. Cùng với dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, dữ liệu xã hội sẽ mang đến những hiểu biết mới mẻ hơn.
Các tổ chức tài chính nắm bắt được những công nghệ mới này sẽ có cơ hội vươn lên dẫn đầu bởi các chương trình mới và trực quan có thể được thiết kế và triển khai trong vòng vài ngày. Theo một khảo sát do Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit - EIU) thực hiện và ủy quyền bởi Công ty Temenos vào đầu năm nay, 77% các giám đốc ngân hàng tin rằng việc tận dụng giá trị của trí tuệ nhân tạo sẽ là mấu chốt tạo nên sự khác biệt để đánh giá sự thành công và thất bại của các ngân hàng.
Đặc biệt, các tổ chức tài chính tại Việt Nam có vị thế tốt hơn trong việc tận dụng lợi thế của công nghệ mới. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng số, nhân khẩu học và địa lý. Chẳng hạn, về hạ tầng công nghệ thông tin, ở những thị trường ngân hàng lâu đời hơn như Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản, nhiều ngân hàng buộc phải kết hợp hệ thống cũ với hệ thống mới, điều này đôi lúc dẫn đến những mâu thuẫn. Do không bị kìm hãm bởi áp lực phải kế thừa hệ thống cũ đã vận hành từ lâu, nhiều ngân hàng Việt Nam có lợi thế hơn.
Nhân khẩu học cũng là một yếu tố có lợi. Ví dụ, Việt Nam và các thị trường mới nổi như Philippines và Indonesia có dân số trẻ hơn so với các nước như Nhật Bản. Đối với những thị trường đang hướng thẳng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó bao gồm xu hướng điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng khác, tỉ lệ tiếp nhận các dịch vụ như thanh toán trực tuyến cũng nhanh hơn nhiều. Tầng lớp trung lưu trẻ đang phát triển ở các quốc gia như Việt Nam am hiểu về công nghệ nhiều hơn so với dân số già ở Nhật Bản, những người có thể sẽ không sẵn sàng áp dụng công nghệ mới.
Thế hệ trẻ đã quen với hành trình trải nghiệm số không bị gián đoạn và tính năng cài đặt ưu tiên dựa trên trí tuệ nhân tạo mà các hãng công nghệ như Facebook và Netflix mang đến. Giờ đây họ cũng kỳ vọng các ngân hàng cung cấp những trải nghiệm tương tự. Các ngân hàng nhận định rằng họ phải đổi mới để đáp ứng kỳ vọng luôn thay đổi của khách hàng. Trong báo cáo của EIU, việc nâng cấp trải nghiệm và sự tương tác với khách hàng, bao gồm cả cá nhân hóa, được coi là ưu tiên chiến lược hàng đầu cho tới năm 2025 và là một trong ba yếu tố có ảnh hưởng đến ngân hàng.
Những người tiêu dùng ngày càng khá giả tại Việt Nam đã và đang được hưởng những trải nghiệm trực tuyến mới mẻ trong lĩnh vực bán lẻ và du lịch và họ cũng mong chờ điều tương tự từ dịch vụ ngân hàng. Với các nền tảng công nghệ hiện đại tận dụng lợi thế của API mở và công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và dịch vụ nhỏ (microservice), các ngân hàng hoàn toàn có thể cung cấp trải nghiệm mà khách hàng mong muốn, nhanh chóng đổi mới để cách mạng hóa bộ phận front end, hay chính là bộ phận tương tác trực tiếp với khách hàng.
Cuối cùng, yếu tố địa lý, tại Việt Nam, cũng đóng một vai trò nhất định. Việt Nam có diện tích lớn hơn Singapore và Hồng Kông, do đó cần giao diện ngân hàng trực tuyến và di động hiệu quả để phục vụ khách hàng tại khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.