Du lịch golf: Tiềm năng và cơ hội
Nhiều lợi thế
Sau cú sốc Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực để sớm hồi phục trở lại. Những đoàn khách quốc tế đầu tiên cũng đang trở lại với Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc, Khánh Hòa theo lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để tăng sức hút và mang lại những trải nghiệm giá trị cho du khách, cũng như làm thế nào để du khách chi tiêu nhiều hơn sẽ là một thách thức rất lớn đối với du lịch Việt Nam.
Việt Nam đang có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch golf |
Trong bối cảnh hiện nay, du lịch golf được nhiều chuyên gia nhận định sẽ là một trong những điểm sáng của ngành kinh tế xanh, bởi đây là dòng sản phẩm Việt Nam đang có nhiều lợi thế.
Tại Toạ đàm "Du lịch golf - Lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế" mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - ông Hà Văn Siêu cho biết, Việt Nam là một trong những nơi được đánh giá là có những sân golf đẹp nhất thế giới. Từ đó, có thể thấy rõ tiềm năng lớn về du lịch golf và đã được du khách quốc tế công nhận. "Trước dịch, những người làm trong ngành du lịch đã nhìn thấy xu hướng du lịch golf, đã có bước chuẩn bị, đầu tư vào sân golf rất mạnh mẽ. Năm 2019, du lịch golf đóng góp to lớn vào thành công chung của du lịch Việt Nam"- ông Siêu thông tin.
Đánh giá thêm về tiềm năng du lịch golf, theo ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, Việt Nam có nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch golf, như Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của châu Á, nơi loại hình du lịch golf đang rất phát triển. Đặc biệt, các sân golf của Việt Nam được thiết kế hiện đại, hạ tầng dịch vụ sang trọng, đẳng cấp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. So với vài năm trước đây, các golf thủ ở Việt Nam đã gia tăng lớn về số lượng, hiện trong nước có 100.000 người chơi golf, 100 sân golf đang hoạt động.
Không chỉ Việt Nam, nhiều nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản... đều tập trung thu hút thị trường khách đối với dòng sản phẩm này. Đặc biệt như Thái Lan, xứ chùa Vàng đã xây dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến yêu thích của những golf thủ từ Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ... Mỗi năm, doanh thu của du lịch golf ở Thái Lan lên tới hàng chục tỷ USD, đóng góp vào khoảng 9% GDP cả nước.
Vừa qua, ông Hà Văn Siêu cho biết, trong 200 khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), 30 khách tới chỉ để chơi golf. Đây là tỷ lệ khá cao, cho thấy xu hướng du lịch golf của thị trường khách ngoại.
Trên cơ sở những tiềm năng và nhu cầu như hiện tại về du lịch golf, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch để phát triển và hoàn thiện sản phẩm dịch vụ này một cách nhanh chóng, từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về du lịch golf trên toàn thế giới. Mặt khác, sớm có những giải pháp để nắm bắt cơ hội khai thác thị trường nguồn khách tiềm năng qua đó để có thể hồi sinh ngành du lịch sau thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 gây ra.
Nắm bắt cơ hội
Đề xuất giải pháp tạo sức hút cho du lịch golf Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thuỷ, Phó Chủ tịch Hội Golf Việt Nam cho rằng, chúng ta phải tăng thêm dịch vụ cho khách lựa chọn như chơi golf kết hợp du lịch tâm linh, khám phá; cần nâng cao chất lượng dịch vụ ở cơ sở hạ tầng, nhân viên thân thiện nhưng ngoại ngữ cũng phải tốt. Mặt khác, ngoài khách ngoại, du lịch golf cũng nên hướng tới khách nội địa bởi đây là phân khúc cực kỳ lớn mà dễ dàng tiếp cận nhất.
Bên cạnh đó, với tiềm năng du lịch golf Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng, cần tổ chức, xây dựng các chương trình du lịch golf gắn với với các giải đấu gofl, đây sẽ là một trong những hình thức thu hút được khách du lịch và các đơn vị lữ hành đến với sản phẩm này. Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel – ông Phạm Duy Nghĩa nhìn nhận, các chương trình du lịch golf sẽ là một trong những sản phẩm trọng yếu, cốt lõi cần xây dựng, phát triển để thúc đẩy dòng khách quốc tế từ các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn hay các quốc gia Đông Nam Á như Thái, Malaysia…
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc FLC bày tỏ, golf tour sẽ là một trong những sản phẩm chính trong bài toán mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút thị trường này, phía cơ quan quản lý cần xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện hơn cho khách quốc tế trải nghiệm. Theo đó, Việt Nam cần cấp phép cho các tour chơi golf trọn gói ngắn hơn (4 ngày 3 đêm) thay vì 7 ngày như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng cần điều chỉnh mức giá của golf tour phù hợp, cạnh tranh so với mặt bằng chung của Đông Nam Á.
Đề cập đến các giải pháp để du lịch golf phát triển, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh thêm, các địa phương cần đa dạng sản phẩm, sân golf cũng cần sẵn sàng để đón khách du lịch. Đồng thời tăng cường ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm. “Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện nhanh, tự tin, thúc đẩy du lịch golf để thu hút du khách. Nếu không nắm bắt tốt các cơ hội, chúng ta sẽ để tuột mất và du khách có thể tìm tới những nơi khác”- ông Siêu cho hay.
Được biết, sắp tới, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam dự kiến sẽ ký kết với Hiệp hội golf Hàn Quốc, Nhật Bản và chọn các công ty lữ hành để phối hợp với họ đưa khách du lịch vào Việt Nam; cũng như tổ chức một số giải golf tại Việt Nam và liên kết các sân golf để đa dạng sản phẩm.
Vừa qua, Tổ chức World Golf Awards (WGA) đã bầu chọn Việt Nam là “Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2021”. Theo Tổng cục Du lịch, đây là giải thưởng danh giá trong lĩnh vực golf, cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với chất lượng điểm đến và dịch vụ golf tại Việt Nam. Đồng thời, chính sự kết hợp giữa điểm đến, cảnh quan, văn hóa và chất lượng dịch vụ làm cho sản phẩm du lịch golf tại Việt Nam được đánh giá cao. Sự kiện này sẽ là cơ hội để Việt Nam quảng bá, thu hút thị trường khách chơi golf đầy tiềm năng với sức chi tiêu cao; hơn nữa du lịch golf sản phẩm khép kín, an toàn, có lợi cho sức khỏe và thích ứng với bối cảnh Covid-19. |