Du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu (Nghệ An): Dễ mà khó!
Chị Lô Thị Nga (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sản phẩm truyền thống với du khách |
Từ thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), đi khoảng 20 km là đến Hoa Tiến - điểm đầu tiên được chọn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Nơi đây từng được ví là “mường đẹp” của Phủ Quỳ Châu với tên gọi cũ là Mường Chiêng Ngam và là nơi lưu giữ văn hóa cổ của người Thái. Phát huy lợi thế đó, người dân bản Hoa Tiến hôm nay đã phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Đến với Hoa Tiến, thời ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh của những người phụ nữ Thái ngồi bên khung cửi hoặc tập trung thành từng nhóm nhỏ để thêu, dệt thổ cẩm. Đây cũng là một trong những nét độc đáo được Quỳ Châu phát triển trong tour du lịch cộng đồng với điểm nhấn là tham quan, trải nghiệm các làng nghề thổ cẩm truyền thống.
Một điểm nhấn khác của du lịch cộng đồng ở Hoa Tiến đó là được trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân địa phương như: Nấu nướng; giã gạo; chăm sóc gia súc, gia cầm; lên rừng lấy củi; xuống suối bắt cá; xe tơ; dệt, thêu thổ cẩm và tham gia các hoạt động văn hóa như: Nhảy sạp, uống rượu cần... Để giúp du khách cảm nhận trọn vẹn các loại hình này, huyện Quỳ Châu cũng đã lựa chọn 10 hộ gia đình tham gia vào du lịch cộng đồng và tổ chức các điểm lưu trú cho khách, trong đó có gia đình chị Lô Thị Nga. Chị Nga cho hay, đã đầu tư để sửa sang lại nhà sàn, lắp đặt thêm hệ thống nhà vệ sinh hiện đại để thuận lợi cho du khách. Bên cạnh đó, chị cũng mua thêm chăn, ga, giường và mở rộng không gian để có thể đón tiếp và tổ chức lưu trú cho từ 20 - 30 người. Mặc dù có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, tuy nhiên đến thời điểm này, lượng khách đến khá ít.
Là một trong những hộ gia đình đầu tiên triển khai thí điểm mô hình này nhưng chị Nga chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết để làm du lịch. Trong quá trình đón khách, chị chưa biết giới thiệu các điểm du lịch trong vùng và quảng bá các nét văn hóa truyền thống bản địa…
Ông Tạ Khắc Uyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Giám đốc Công ty Du lịch Nghệ An - cho biết: Với du lịch cộng đồng, những thứ mà khách du lịch đòi hỏi không cần quá cao siêu, không quá tốn kém, nhưng lại rất thiết thực. Đó là cảnh quan và vệ sinh môi trường đảm bảo; các sản phẩm du lịch phải phong phú và đa dạng, có chỗ để mua sắm, tham quan và chụp ảnh; đáp ứng cơ sở hạ tầng để đón lượng khách lớn… Đây là những điều mà du lịch cộng đồng ở Quỳ Châu chưa làm được. Muốn khắc phục, phải tuyên truyền cho người dân có ý thức với cảnh quan môi trường, phải có người định hướng, liên kết du lịch và nâng cao nhận thức để người dân, chính quyền thấy được muốn làm du lịch cộng đồng phải bắt nguồn từ người dân bởi đây là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ du lịch cộng đồng.
Ông Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu: Với bản Hoa Tiến, dù làm du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, nhưng từ du lịch mà cuộc sống người dân đã đổi thay. Chỉ còn chờ triển khai quy hoạch, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và UBND tỉnh quan tâm, chắc chắn khi đó, không chỉ ở bản Hoa Tiến mà ở nhiều điểm du lịch khác sẽ có cơ hội phát triển hiệu quả hơn. |