Thứ sáu 08/11/2024 19:21

Dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm

Kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2024.

Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tiếp tục giảm

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2024 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, trong quý IV/2023, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng. Trong đó, nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện mạnh hơn nhu cầu vay vốn và gửi tiền do tính thời vụ vào dịp cuối năm. Tổng thể năm 2023, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “cải thiện” thấp hơn năm 2022, trong đó nhu cầu gửi tiền được nhận định tăng cao hơn nhu cầu thanh toán và vay vốn.

“Quý I/2024, tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “cải thiện” thấp hơn so với quý IV/2023, nhưng dự báo “cải thiện” mạnh hơn trong năm 2024, trong đó nhu cầu vay vốn được dự báo “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán, khác với diễn biến của năm 2023”, báo cáo cho biết.

Các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2024

Theo nhận định của các tổ chức tín dụng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 tiếp tục duy trì trạng thái “tốt” và cải thiện tích cực hơn dự kiến. Các tổ chức tín dụng đánh giá tình hình thanh khoản trong năm 2023 dồi dào hơn so với năm 2022, và dự báo sẽ tiếp tục dồi dào trong quý I/2024 và cả năm 2024.

Các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024.

Trong quý IV/2023, các tổ chức tín dụng cho biết tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, trong đó, tập trung giảm lãi suất biên nhiều hơn so với giảm phí dịch vụ. Xu hướng này được dự kiến duy trì trong quý I/2024 nhưng có khả năng thu hẹp hơn. Mặt bằng giá cả sản phẩm, dịch vụ tài chính kỳ vọng tương đối ổn định trong năm 2024.

Lợi nhuận cải thiện trong năm 2024

Đối với mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục tăng trong quý IV/2023 và quý I/2024 so với quý trước, nhưng tốc độ tăng đang chậm dần lại. Đánh giá tổng thể năm 2023, mặt bằng rủi ro của khách hàng được nhận định tăng đáng kể so với năm 2022 và tăng mạnh hơn nhiều so với dự báo ban đầu, tuy nhiên kỳ vọng có thể giảm trong năm 2024.

Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý I/2024 và tăng 12,1% trong năm 2024, tương đương mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,8% tại kỳ điều tra trước.

Trái ngược với kỳ vọng giảm, kết quả điều tra kỳ này cho thấy các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý IV/2023 tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ”, nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý I/2024.

Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Đánh giá tổng thể năm 2023, các tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng và điều chỉnh giảm mạnh kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với mức dự báo tại kỳ điều tra trước. Trong đó, 78,6% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022; 17,9% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm và 3,6% ước tính không thay đổi.

“Với tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp và chưa đạt được như kỳ vọng, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh”, báo cáo nêu.

Cũng theo kết quả điều tra, 71,6% tổ chức tín dụng đánh giá các nhân tố nội tại đã giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và 81,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện” trong năm 2024, trong khi có 7,3% tổ chức tín dụng nhận định tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2023 và dự kiến cho cả năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “Năng lực tài chính của đơn vị” (4,4 - 7,1% tổ chức tín dụng lựa chọn). “Chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” tiếp tục được 71,4 - 72,6% tổ chức tín dụng đánh giá là nhân tố nội tại quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong 3 quý liên tiếp cũng như cả năm 2023 và năm 2024 (80,5% tổ chức tín dụng lựa chọn).

Đối với các nhân tố khách quan, các tổ chức tín dụng đánh giá “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước” tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023, cả năm 2023 và kỳ vọng cho cả năm 2024, sau đó đến “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng”. Trong năm 2024, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tất cả các nhân tố khách quan có tác động tích cực hơn so với năm 2023.

Về tình hình lao động, việc làm của ngành tài chính ngân hàng trong quý IV/2023, tổ chức tín dụng nhận định rằng khả quan hơn so với quý trước. Đánh giá tổng thể năm 2023, tình hình tuyển dụng lao động, việc làm tại các tổ chức tín dụng “tăng” nhưng tốc độ tăng chậm lại so với năm 2022. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình lao động sẽ diễn biến tích cực hơn trong quý I/2024 và cả năm 2024.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: lãi suất huy động

Tin cùng chuyên mục

Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) khai trương chi nhánh mới tại Thanh Hóa

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm cho doanh nghiệp lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Từ 5/1/2025, Cục Phòng, chống rửa tiền sẽ thuộc Ngân hàng Nhà nước

VietinBank lần thứ 8 liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu

Giá vàng và chứng khoán sẽ ra sao sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ?

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng tăng 17,3%

10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 1,8%

Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

10 tháng, Việt Nam thu hút 27,26 tỷ USD vốn FDI

Tháng 10, HNX đã huy động thành công 30.575 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Manulife mở rộng quy mô chương trình 'Sống Sạch - Sành - Xanh', khuyến khích người dân ‘khoe’ lối sống khỏe

Tỷ giá tăng, thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Tác động của bầu cử Tổng thống Mỹ đến thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao?

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Ngân hàng Nhà nước tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'