Đồng Nai: Triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu
Đồng Nai triển khai dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 và đạt được kết quả tích cực.
Dự án được phê duyệt theo quyết định số 4238/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 10/11/2020, về việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, việc vận hành hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ trang trại đến người tiêu dùng trong thời gian qua đảm bảo theo quy trình truy xuất đã được phê duyệt. Các cá nhân, tổ chức tham gia dự án được nhận hỗ trợ về vật dụng truy xuất nguồn gốc: vòng nhận diện, vòng niêm phong, tem truy xuất, bảng hiệu theo quy định của dự án. Được hỗ trợ quảng bá theo nội dung các chương trình của dự án trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các kênh thông tin của chính quyền.
Điểm kinh doanh thịt heo có truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Đồng Nai |
Kết quả tính đến ngày 18/9/2023, có 1.187 cá nhân, tổ chức đã đăng ký tham gia và được cấp tài khoản gồm: 4 siêu thị, 34 cửa hàng tiện lợi, 11 chợ, 40 cơ sở giết mổ heo, 123 thương nhân thu mua heo, 783 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở thu gom, 7 cơ sở bán sỉ, 4 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, 175 bếp ăn trường học và 52.199 con heo được truy xuất nguồn gốc.
Hiện nay, các sản phẩm thịt heo có tem truy xuất nguồn gốc tham gia dự án đang được bán tại các địa điểm trên địa bàn tỉnh, gồm có: Chi nhánh công ty TNHH MM Mega Market tại thành phố Biên Hòa; Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bát Giới - Cửa hàng Long Bình (địa chỉ 19/11, hẻm 643, Xa lộ Hà Nội, khu phố 1, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa); Cửa hàng Thực phẩm LH FOOD (T01, chung cư B1, đường Nguyễn Ái Quốc, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hoà); Cửa hàng BAPI FOOD (Đường N1, phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa); Chợ Xuân Thanh, phường Xuân Thanh, thành phố Long Khánh.
Mục tiêu của dự án là thiết lập mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh - tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch để tiêu thụ hàng ngày; đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh thịt heo.