Đồng Nai: Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến hướng tới xuất khẩu
Ngày 13/10, UBND tỉnh Đồng Nai vừa công khai Kế hoạch triển khai đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.
Mục tiêu của đề án này nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
Đồng Nai phát triển công nghiệp giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng hiện đại và xuất khẩu (ảnh: minh hoạ) |
Theo đó, mục tiêu đến 2025, Đồng Nai sẽ phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hoá (hiện, Đồng Nai có 5 cơ sở giết mổ gia súc và 3 cơ sở giết gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp). Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt từ 60 – 70%.
Phát triển một số cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng và sữa) có quy mô, công nghệ, quản lý ngang tầm khu vực và thế giới. Bảo đảm tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 -30 %, tốc độ tăng giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt 5%/năm.
Từng bước nâng cao đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Phát triển các cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ từ 15 lên 15% - 30%, giảm tỷ lệ các cơ sở chế biến có công nghệ trung bình từ 53% xuống 45 -50% và giảm tỷ lệ chế biến hậu từ 32% xuống 20 - 25%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 0,27 tỷ USD vào năm 2025.
Trong giai đoạn 2026 -2030, Đồng Nai tiếp tục phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa. Định hướng đến năm 2030, Đồng Nai có 17 cơ sở giết mổ gia súc và 5 cơ sở giết mổ gia cầm quy mô tập trung công nghiệp. Đảm bảo tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ theo hướng công nghiệp đạt 70 – 80 %.
Về chế biến, tốc độ tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi chế biến bình quân đạt 8%/năm. Từng bước nâng cao đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tiếp tục phát triển các cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ khoảng 50 – 55%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 0,38% tỷ USD vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu trên, Đồng Nai tập trung thu hút các doanh nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi có quy mô lớn với thiết bị, công nghệ chế biến hiện đại gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, an toàn dịch bệnh và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổ chức các sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết dọc từ khâu chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ phẩm; đồng thời tổ chức hiệu quả liên kết ngang trong cơ sở chăn nuôi để đảm về số lượng và chất lượng chế biến…
Song song với đó, phát triển hệ thống phân phối sản phẩm theo hướng bền vững, đẩy mạnh có hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực hướng xuất khẩu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Asean, …
Kịp thời nắm bắt các rào cản thương mại do các chính sách bảo hộ của các nước nhập khẩu bằng cách sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp quốc tế cho các nhà quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu.
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và UBND các thành phố, các huyện…thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng.
Trong đó, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, lồng ghép việc hổ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ và kết nối cho các thương nhân kinh doanh sản phẩm chăn nuôi tham gia các hội chợ triển lãm và hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước…