Chủ nhật 22/12/2024 16:17

Đồng Nai: Cư dân Amber Court ‘đấu tranh’ giữ lại công trình vi phạm

Ban Quản trị và cư dân chung cư Amber Court (Đồng Nai) mong muốn giữ lại hồ bơi do chủ đầu tư xây trái phép để tạo cảnh quan, tăng tiện ích môi trường sống.

Xây dựng hồ bơi trái phép trên đất cây xanh

Vừa qua, Báo Công Thương nhận được phản ánh của Ban Quản trị chung cư Amber Court (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và các cư dân sinh sống tại chung cư này về việc Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Công ty D2D – Chủ đầu tư Khu dân cư phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa) tổ chức cưỡng chế hạng mục hồ bơi trong khuôn viên khu đất kế bên chung cư Amber Court mà chưa lắng nghe ý kiến của người dân.

Hạng mục hồ bơi cạnh chung cư Amber Court được chỉ ra là xây dựng trái phép. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Theo phản ánh, từ năm 2017, những người mua nhà tại dự án chung cư Amber Court do Công ty TNHH Berjaya – D2D (liên doanh giữa Công ty D2D và Công ty Berjaya Leisure) làm chủ đầu tư, được quảng cáo dự án có tiện ích là hạng mục hồ bơi.

Tháng 7/2018, Công ty TNHH Berjaya – D2D đã tiến hành bàn giao hồ sơ nhà chung cư và kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị chung cư Amber Court để thực hiện công tác quản lý, sử dụng (trong đó có hạng mục hồ bơi này). Từ đó đến nay, dựa trên sự thống nhất của cư dân, Ban Quản trị chung cư này đã tiến hành tu sửa, cải tạo, thuê người hàng ngày thực hiện công tác vệ sinh, bỏ hóa chất, thay, lọc nước hồ bơi và túc trực cứu hộ, cứu nạn mỗi khi có người lớn hoặc trẻ nhỏ bơi lội.

Dần dần, hạng mục này đã trở thành một phần không thể tách rời đối với cuộc sống của cư dân chung cư Amber Court và cộng đồng dân cư xung quanh (người dân đến đây được sử dụng hồ bơi hoàn toàn miễn phí).

Tuy nhiên, tháng 6/2024, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra, hạng mục hồ bơi này đã được chủ đầu tư xây dựng trái phép, không đúng với quy hoạch đã được duyệt (quy hoạch là công viên cây xanh).

Do đó, Công ty TNHH Berjaya – D2D đã thông báo tới Ban Quản trị chung cư Amber Court và các cư dân về việc hoàn trả khu đất xây dựng hồ bơi cạnh tòa nhà chung cư Amber Court để Công ty D2D tiến hành cải tạo thành công viên cây xanh theo quy hoạch.

Lúc này, cư dân Amber Court mới biết, phần diện tích đất xây dựng hồ bơi là do Công ty TNHH Berjaya – D2D mượn tạm của Công ty D2D.

Cư dân mong muốn được giữ lại hồ bơi

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Ngọc Ánh – Trưởng Ban Quản trị chung cư Amber Court cho biết, sau khi nhận thông tin hạng mục hồ bơi tại khu đất kế bên chung cư xây dựng trái phép, phải phá dỡ để làm công viên cây xanh, cư dân sinh sống tại đây cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Bản thân ông Ánh cũng như nhiều cư dân nghĩ rằng họ đã bị lừa khi mua nhà tại dự án này.

“Khi mua nhà một thời gian, chúng tôi được thông báo rằng chủ đầu tư sẽ xây tặng hồ bơi cho chung cư. Các hộ mua sau có thể sẽ được nghe quảng cáo là chung cư này có tiện ích hồ bơi, cây xanh. Chúng tôi đã nghĩ hồ bơi này nằm trong quy hoạch xây dựng, đủ điều kiện pháp lý nên nhiều người đã mua nhà về đây cũng một phần vì có hồ bơi này. Nhưng giờ đây, chúng tôi cảm thấy mình như bị lừa”, Trưởng Ban Quản trị chung cư Amber Court nói.

Hồ bơi này đã đem lại nhiều tiện ích sống cho cư dân. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Ông Ánh cho rằng, bản thân ông, thành viên trong Ban Quản trị và cư dân không phản đối việc phá dỡ công trình vi phạm, để đầu tư theo đúng quy hoạch. Song, những người dân sinh sống tại đây nhận thấy việc giữ lại khuôn viên và hồ bơi này là cần thiết, hữu ích cho cuộc sống, nhu cầu thực tế của cư dân và cộng đồng xung quanh. Bởi, suy cho cùng phá đi cũng gây lãng phí trong khi diện tích chỉ vài trăm mét vuông, số lượng cây xanh sẽ trồng (theo bản vẽ thiết kế công viên) còn ít hơn số lượng cây xanh thực tế do cư dân đã trồng từ trước.

“Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã cùng cư dân thống nhất trích quỹ để tu sửa, cải tạo hồ bơi này; thường xuyên vệ sinh, thay nước, vận hành hệ thống lọc nước; có người trông coi hồ bơi, thường xuyên có người trực cứu hộ, cứu nạn. Tại đây, người dân vừa có thể tập thể dục, vừa có thể bơi lội. Các cháu nhỏ có nơi để vui chơi, được học bơi tại chỗ nên rất thuận lợi cho việc phổ cập bơi, phòng chống đuối nước”, ông Ánh chia sẻ.

Ngoài ra, việc chuyển từ công viên cây xanh sang hồ bơi (có khuôn viên) thì công năng và mục đích sử dụng là như nhau. Do đó, nếu giữ lại nguyên trạng (có chỉnh trang bổ sung) thì vẫn tạo cảnh quan và phục vụ cho lợi ích chung của người dân, được người dân ủng hộ, tránh lãng phí.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (số nhà 07-07) cho biết, gia đình chị về chung cư Amber Court sinh sống vào năm 2017, từ khi có hồ bơi – nơi này đã trở thành điểm nhấn của cả khu vực, gia đình có điểm vui chơi, hằng ngày có thể bơi lội để thư giãn.

“Tại TP. Biên Hòa đang rất thiếu những thiết chế hồ bơi như thế này để phục vụ cộng đồng dân cư. Nếu phải phá bỏ thì thật sự lãng phí, trong khi công trình này rất thiết thực với cư dân chúng tôi và cả cộng đồng xung quanh”, chị Hoa tâm tư.

Khu đất này trước đây là đất Dịch vụ kết hợp bãi xe (diện tích 3.300 m2, cạnh Amber Court) được điều chỉnh quy hoạch thành Đất ở biệt thự (diện tích 3.341,9 m2). Ảnh: Nguyễn Ngọc

Mới đây, ngày 30/7/2024, UBND phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã tổ chức cuộc họp giữa các bên gồm: Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (Công ty D2D); Công ty TNHH Berjaya – D2D; Ban Quản trị, Ban Quản lý chung cư Amber Court.

Theo đó, UBND phường Thống Nhất đề nghị Công ty D2D, Công ty TNHH Berjaya – D2D có buổi làm việc cụ thể với Ban Quản lý, Ban Quản trị chung cư Amber Court ghi nhận lại nguyện vọng của cư dân, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét cũng như thông báo rõ cho cư dân chung cư được biết về việc thu hồi hồ bơi triển khai dự án công việc theo quy hoạch được phê duyệt. Có báo cáo về UBND phường bằng văn bản trong thời gian sớm nhất để làm căn cứ tổng hợp báo cáo UBND TP. Biên Hòa.

Được biết, trong thời gian qua, Công ty D2D cũng đã có nhiều văn bản gửi Công ty TNHH Berjaya – D2D về việc hoàn trả mặt bằng phần diện tích hồ bơi này để thực hiện làm công viên cây xanh.

Tại biên bản làm việc với Phòng Quản lý đô thị TP. Biên Hòa ngày 14/8/2024, đại diện Công ty D2D cho rằng, Công ty đã lập hồ sơ xin phép xây dựng đối với hạng mục công viên cây xanh. Do do, đơn vị này đề nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ để bàn giao mặt bằng sớm nhất.

Còn về phía Công ty TNHH Berjaya – D2D cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ bàn giao mặt bằng sớm nhất để Công ty D2D thực hiện xây dựng công viên theo quy hoạch.

Trước thực tế đó, Ban Quản trị chung cư Amber Court và các cư dân sinh sống tại chung cư này mong muốn được đối thoại với Công ty D2D, Công ty TNHH Berjaya – D2D để cùng tìm giải pháp tháo gỡ, kiến nghị lên cơ quan chức năng cho công trình này được tồn tại.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, ngày 29/10/2019, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định số 3393/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dân cư phường Thống Nhất, TP. Biên Hòa (giai đoạn 2).

Theo đó, khu đất Dịch vụ kết hợp bãi xe (diện tích 3.300 m2, cạnh chung cư Amber Court) được điều chỉnh thành Đất ở biệt thự (diện tích 3.341,9 m2).

Còn khu đất làm Khu hành chính cấp phường được chuyển đổi mục đích sử dụng làm Văn phòng điều hành (Công ty D2D).

“Hơn 3.000 m2 đất dịch vụ kết hợp bãi đỗ xe phục vụ lợi ích công cộng được chuyển đổi sang làm đất xây biệt thự, trong khi, hạng mục hồ bơi phục vụ cho hàng trăm hộ dân sống tại đây và cộng đồng dân cư xung quanh lại không được điều chỉnh khiến cư dân chúng tôi cảm thấy băn khoăn”, Trưởng Ban Quản trị chung cư Amber Court cho biết thêm.

Nguyễn Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: nhà chung cư

Tin cùng chuyên mục

Hộp thư bạn đọc ngày 12/12: Phản ánh về chợ Đông Phú, siêu thị ăn vặt Mlem Mlem

Vĩnh Phúc: Nhanh chóng tiếp nhận thông tin, quyết liệt đấu tranh chống gian lận thương mại

TikToker Mr Pips “lùa gà” bằng công cụ gì?

Hộp thư bạn đọc ngày 5/12: Phản ánh liên quan đến thời trang Ben Kids, Trường Quốc tế Thăng Long

Thanh Hóa: Xác minh tố cáo dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khai thác đá của Công ty Cao Nguyên

Bắc Giang: Giấy phép cấp một đằng, Công ty TNHH Minh Hà đổ đất một nẻo

Hà Nội: Xử phạt 6 cơ sở bán hàng nhập lậu trong Big C Thăng Long

Thanh Hóa: Chấn chỉnh Công ty TNHH đầu tư xây dựng Phương Anh vì thi công ẩu

Bắc Giang: Để người nước ngoài sinh sống lâu dài trong nhà ở xã hội, trách nhiệm thuộc về ai?

Hộp thư bạn đọc ngày 28/11: Phản ánh liên quan đến việc thu tiền trông xe trái quy định

Dự án Usilk City chậm tiến độ hơn một thập kỷ gây lãng phí

Quy định chủng loại thịt nhập khẩu: Điểm nghẽn cần tháo gỡ trong 'dòng chảy' thương mại

Cần Thơ: Vì sao nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán?

Thanh Hóa: Người dân sống bất an cạnh chung cư Bình An Plaza

Hộp thư bạn đọc ngày 21/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Trinh nữ Hoàng Cung Crilin, MBC PlayBe Việt Nam

Vụ Công ty GFDI vỡ nợ 3.700 tỷ đồng: Khách hàng cần làm gì để lấy lại tiền cho vay?

Chính quyền phản hồi về quy hoạch khu xử lý rác tại xã Yên Lạc sau phản ánh của Báo Công Thương

CEO Vương Long gỡ video sai sự thật về Laura Coffee

Hộp thư bạn đọc ngày 14/11: Phản ánh liên quan đến sản phẩm Hoa Nhất; bãi xe phường Yên Sở

Hải Phòng: Chủ hàng ăn khám…răng, loạn nha khoa không phép