Cơ khí - nhóm ngành được chú trọng đào tạo tại Đồng Nai ảnh: Lã Lan
CôngThương - Mô hình đào tạo nghề khuyến công gắn với cơ sở CNNT và sản xuất công nghiệp của đơn vị thụ hưởng nên đã giúp cho các cơ sở CNNT tăng tỷ lệ lao động được đào tạo tại chỗ lên 70 – 80%, lao động sau đào tạo được bàn giao cho đơn vị thụ hưởng bố trí việc làm. Tính đến thời điểm này, tổng số lao động còn làm nghề tại cơ sở CNNT qua khảo sát vẫn chiếm trên 73% tổng số lao động đã đào tạo.
Cùng với công tác đào tạo nghề, giai đoạn 2010 – 2013, Trung tâm KC đã đào tạo về quản lý cho 714 lượt người là chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh tại các cơ sở sản xuất CNNT với các nội dung như: khởi sự doanh nghiệp, tăng cường khả năng kinh doanh với các nội dung như: kỹ năng bán hàng, mua hàng, sắp xếp quản lý kho, tổ chức sản xuất, marketing, quản trị nhân sự, quản lý sản xuất, tài chính - kế toán, quản lý công nghệ…
Theo kế hoạch, năm 2014, chính sách KC sẽ hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 1.000 - 1.200 lao động, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho trên 200 lượt người. Trung tâm KC sẽ phối hợp khảo sát nhu cầu để tổ chức đào tạo nghề tập trung các ngành nghề sử dụng nhiều lao động tại địa bàn nông thôn, ngành nghề chế biến nông lâm sản, ngành nghề cơ khí, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống theo các đề án được phê duyệt, ngành nghề chuyển đổi cho đối tượng ở các khu tái định cư. |
Khó khăn nhất trong công tác đào tạo nghề thời gian qua là học viên có trình độ không đồng đều, ý thức lao động công nghiệp và năng lực tiếp thu cũng rất khác nhau. Chưa có giáo trình thống nhất về đào tạo nghề. Mô hình đào tạo nghề và cơ sở vật chất kỹ thuật của các đơn vị có chức năng dạy nghề chưa phù hợp với thực tế sản xuất tại cơ sở CNNT.
Để công tác đào tạo nghề gắn với sản xuất công nghiệp, Trung tâm KC chủ trương đổi mới hoạt động đào tạo nghề theo hướng cá nhân hóa, mỗi học viên sẽ có thời lượng khác nhau để có thể thực hiện thành thạo công việc đạt các tiêu chuẩn quy định chứ không yêu cầu cứng nhắc về số giờ học. Học viên được tiếp xúc với các tình huống làm việc thực tế càng nhiều càng tốt, quá trình giảng dạy theo hướng giảm lý thuyết để tăng thực hành. Học viên phải hiểu rõ về các mục tiêu đào tạo và những kết quả dự kiến của khóa học. Chương trình giảng dạy xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất của doanh nghiệp và thống nhất với đơn vị tổ chức khóa học. Quy trình đánh giá công nhận năng lực học viên được thực hiện căn cứ theo các tiêu chuẩn thực hành kỹ năng đã được quy định, thành phần tham gia đánh giá bao gồm đơn vị tổ chức khóa học, cơ sở CNNT và đơn vị phối hợp. Cơ sở vật chất kỹ thuật cho dạy nghề chính là xưởng sản xuất và trên dây chuyền đang hoạt động của cơ sở CNNT. Nguyên vật liệu có thể là nguyên vật liệu đang được sử dụng để sản xuất thành phẩm hoặc nguyên vật liệu dành riêng cho khóa học.
Bên cạnh đào tạo nghề, hoạt động KC cũng tăng cường đào tạo, tập huấn về quản lý doanh nghiệp cho đối tượng là chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý, điều hành sản xuất - kinh doanh tại các cơ sở sản xuất CNNT theo chương trình KC và các đối tượng theo chương trình phối hợp giữa Sở Công Thương và các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của tỉnh.