Đồng bộ về công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh
Công nghệ từ lâu đã hứa hẹn sẽ làm cho cuộc sống thành phố an toàn hơn, ít tắc nghẽn và lành mạnh hơn. Sự ra đời của công nghệ 5G siêu tốc, sự bùng nổ của cảm biến IoT… thúc đẩy những hứa hẹn đó dần trở thành hiện thực với 3,5 tỷ cư dân thành thị toàn cầu.
Trong một viễn cảnh tương lai, với sự góp sức của công nghệ thông minh, rất nhiều vấn đề đô thị được giải quyết một cách hiệu quả. Mạng lưới cảm biến rộng lớn giúp các thành phố đo lường ô nhiễm không khí và nước, giảm tiêu thụ năng lượng và giảm ùn tắc giao thông. Hệ thống chiếu sáng thông minh đang giúp đường phố trở nên an toàn hơn đồng thời tiết kiệm chi phí năng lượng. Camera an ninh hỗ trợ AI đang giúp cảnh sát truy bắt tội phạm… Điều làm nên một thành phố thực sự 'thông minh' như hình dung chính là sự kết nối giữa các dịch vụ, nơi mà mỗi thành phố cung cấp và thực hiện theo cách thông minh hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trọng tâm của ý tưởng là giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường thông qua công nghệ phù hợp và hiệu quả. Toàn bộ quan điểm về thành phố thông minh là tạo ra kết nối chứ không phải xây dựng rào cản. Giá trị nằm trong các kết nối xã hội được tạo ra và hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường đúng đắn để trở thành một thành phố thông minh có thể sẽ gặp khó khăn vì mỗi thành phố là đặc thù riêng biệt.
Với tầm nhìn quốc gia về chuyển đổi số, Việt Nam định hướng phát triển thành công mô hình thành phố thông minh trong tương lai gần. Là một trong những hãng công nghệ có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ Chính phủ các nước chuyển đổi số hóa thành công, HPE đã và đang nỗ lực mang đến thị trường Việt Nam những giải pháp mang tính hiệu quả, đồng bộ về công nghệ “smart city”.
Tại hội thảo trực tuyến nằm trong lộ trình chiến lược của HPE với chủ đề "Xây dựng thành phố thông minh của tương lai", vào ngày 7/4 vừa qua, ngoài những chia sẻ về thực trạng xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và những khó khăn trong triển khai đô thị thông minh, các chuyên gia còn đề cập đến những bài học thực tế về chuyển đổi số tại một số quốc gia trên thế giới, và câu chuyện tiến tới trở thành thành phố thông minh của "cố đô" Huế.
"Chương trình là cầu nối quan trọng nhằm gia tăng khả năng liên kết giữa các địa phương trong khu vực và quốc tế, cùng hướng tới sự phát triển hệ thống đô thị thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững" - Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng, Ban cố vấn Liên minh hợp tác Công – Tư phát triển Đô thị thông minh phát biểu tại sự kiện.