Đánh giá của Sở Công Thương các tỉnh thành vùng ĐBSCL cho thấy, đến nay thị trường hàng hóa thiết yếu của các tỉnh đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, không có hiện tượng khan hiếm hay nâng giá. Theo Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, đây là kết quả từ các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, giúp việc cung ứng, lưu thông hàng hóa thuận lợi, đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người dân. Cụ thể TP Cần Thơ ngoài phát huy chuỗi phân phối hiện đại của 8 siêu thị, 134 cửa hàng tiện ích còn tổ chức 46 điểm bán hàng bình ổn và mô hình “mang chợ ra phố”… Nhờ đó góp phần hạn chế người dân tập trung mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
TP. Cần Thơ đưa chợ ra phố để thực hiện giãn cách phòng chống dịch và người dân thuận lợi hơn trong mua sắm |
Tại tỉnh Hậu Giang, theo ông Nguyễn Văn Thậm - Phó giám đốc Sở Công Thương, việc chủ động dự trữ 8.151 tấn hàng hóa (trị giá khoảng 200 tỷ đồng) của các DN trên địa bàn cùng cam kết bán giá bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 5-10% đã giúp thị trường hàng hóa Hậu Giang ổn định. Không chỉ vậy, thông qua phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp bưu chính như Viettel Post Hậu Giang, VN Post… Sở Công Thương đã tổ chức mô hình “Đi chợ hộ” giúp người dân mua sắm thuận lợi hơn trong thời gian giãn cách. Tới thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của Sở Công Thương, sức mua trực tiếp tại các chợ, siêu thị và hệ thống cửa hàng bách giảm hơn 50% so với trước giãn cách.
Tại Vĩnh Long, theo Sở Công Thương tỉnh này, hiện các hệ thống siêu thị cũng duy trì hoạt động, chủ động đầy đủ các loại hàng hóa với giá cả bình ổn. Để chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp, đảm bảo nguồn hàng hóa, nhiều địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, chủ cửa hàng ký cam kết với chính quyền. Qua đó hóp phần ổn định thị trường hàng hóa và giá cả.
Tương tự tại Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An… hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa diễn ra ổn định, lượng hàng hóa cung ứng thị trường dồi dào. Mặt khác, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý về giá nên giá cả thị trường được kiểm soát tốt.
Theo ngành Công Thương các tỉnh ĐBSCL, trên thực tế vào những ngày đầu trước và sau khi giãn cách tình hình thị trường có xáo trộn nhẹ do tâm lý người dân lo lắng, tích trữ hàng, dẫn tới giá có tăng nhẹ. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của "Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp" của Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt), việc kết nối lưu thông hàng hóa của các địa phương với hệ thống phân phối đã nhanh chóng được tháo gỡ nhanh. Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt cũng phối hợp cùng chính quyền, Sở Công Thương các địa phương đánh giá khả năng cung ứng tại chỗ, xác định nhu cầu hàng hóa cần cung ứng tại địa phương, sẵn sàng cùng các địa phương ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo cung ứng đẩy đủ hàng hóa cho người dân.
Theo Tổ công tác đặc biệt, xác định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc lưu thông hàng hóa vẫn còn nhiều khó khăn, do đó Tổ công tác đặc biệt sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý cho các địa phương. Ðặc biệt tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số trong điều kiện giãn cách xã hội.