Thứ hai 25/11/2024 14:03

Đón khách du lịch Trung Quốc trở lại, làm gì để hạn chế tour 0 đồng?

Đón khách Trung Quốc trở lại sẽ mang lại cơ hội để du lịch Việt Nam tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, tuy nhiên cần có giải pháp để hạn chế tour giá rẻ, 0 đồng.

Tự tin phục vụ du khách

Trung Quốc là thị trường du lịch gửi khách lớn, mang lại nguồn thu 225 tỷ USD, chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Riêng với thị trường Việt Nam, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất, cả về lượng khách đến Việt Nam cũng như đưa khách Việt Nam tới Trung Quốc du lịch. Trong đó, năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam).

Ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á (ATI) chia sẻ, với vị trí top đầu của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, rõ ràng việc quốc gia này mở cửa du lịch song phương sẽ giúp chúng ta tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như khơi thông, thúc đẩy nhiều dịch vụ, thương mại phát triển, qua đó mang lại các lợi ích cho nền kinh tế.

Còn theo ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy, thời điểm trước dịch năm 2019, trong số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, có gần 6 triệu khách Trung Quốc. Do đó, việc Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch là tin vui cho ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng sau thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi đón khách du lịch từ thị trường này.

Đại diện Công ty Du lịch Travelogy nói thêm, việc mở cửa đón khách du lịch Trung Quốc sẽ giúp cho thị trường Việt Nam, chuỗi cung ứng của ngành du lịch Việt Nam không bị đứt gãy, phát triển mạnh mẽ. Các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, tàu, thuyền... nhân sự ngành du lịch sẽ được cân bằng hơn và kết nối tốt hơn.

Trước đó, ngay khi Trung Quốc mở cửa biên giới, ngành du lịch cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong ngành đã có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón thị trường khách tiềm năng này. Vì thế, qua tìm hiểu, gần như các doanh nghiệp, địa phương đã rất tự tin đón khách Trung Quốc kể từ 15/3.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, Việt Nam đã có thời gian dài chuẩn bị đón khách Trung Quốc, nhất là từ sau khi họ cho phép công dân ra nước ngoài đầu năm 2023, nên hiện là lúc thích hợp vì mọi việc đều đã sẵn sàng. Thời điểm này, nguồn lực trong các khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên đã đủ. Các điểm du lịch đã mở lại và vận hành hoàn toàn suốt năm qua.

Hạn chế tình trạng tour 0 đồng

Nhiều nhận định cho rằng, việc mở cửa của Trung Quốc sẽ tác động lớn đến sự khôi phục hoạt động du lịch tại nhiều quốc qua Đông Nam Á trong đó có các điểm đến tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong báo cáo nhận định về kinh tế Việt Nam vừa được công bố của HSBC, mặc dù mức chi của khách Trung Quốc thấp hơn so với khách du lịch Âu, Mỹ, nhưng với tỷ lệ khách của quốc gia này lại chiếm tới 30%. Do đó, Việt Nam có thể là một nước hưởng lợi lớn trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của du khách Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo báo cáo của HSBC, nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay, nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc có thể đạt 50-80% so với trước đại dịch, tương đương 3-4,5 triệu khách. Đây là mục tiêu trong tầm với của Việt Nam.

Thực tế, dù đã có những chuẩn để đón phục vụ khách Trung Quốc, tuy vậy, sau đại dịch xu thế và nhu cầu của du khách đã thay đổi, vì thế buộc các điểm đến, đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm của Việt Nam cần phải bắt nhịp với thay đổi này một cách kịp thời.

Trao đổi với truyền thông, bà Trần Nguyện, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sun World cho rằng, Việt Nam cần phải tập trung tăng chất lượng dịch vụ, sản phẩm và tăng trải nghiệm cho khách Trung Quốc nói riêng, khách quốc tế nói chung. Việc này vừa để bảo vệ thương hiệu điểm đến Việt Nam, vừa đảm bảo quyền lợi của du khách, xứng với đồng tiền họ bỏ ra khi đi du lịch Việt Nam và cũng để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Còn ông Phạm Hải Quỳnh thì nhấn mạnh, mỗi thời điểm ngành du lịch có những bất cập riêng. Sau dịch Covid-19, chúng ta gặp nhiều vấn đề về nhân sự, hệ thống dịch vụ, tuy nhiên, trong đó chúng ta cũng có cơ hội đó là những đơn vị nào còn trụ vững thì sẽ hoàn thiện mình, cung cấp dịch vụ một cách tốt nhất.

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Hải Quỳnh, chúng ta đang có những rào cản nhất định kìm chân du lịch phát triển, như chính sách visa, chất lượng sản phẩm thiếu đa dạng… “Khách gõ cửa mà chúng ta không mở là điều hết sức thiệt thòi cho du lịch, vì hiện chính sách thị thực của Việt Nam có nhiều hạn chế so với các quốc gia trong khu vực”- ông Quỳnh nói.

Ngoài ra, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, chúng ta cần cân bằng dịch vụ một cách có quy chuẩn, quản lý tốt hơn để hoàn thiện chất lượng dịch vụ như Thái Lan đang thực hiện trong việc đáp ứng và thu hút khách du lịch Trung Quốc, đồng thời để tránh tình trạng du lịch giá rẻ, 0 đồng từng xảy ra.

Đề cập đến tour 0 đồng trong khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc, ông Vũ Thế Bình cũng cho hay, chúng ta rất bức xúc vì khách du lịch Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chi tiêu rất nhiều, bình quân là khoảng 1.700-1.800 USD. Nhưng khi đến Việt Nam chúng ta lại không thu được nhiều là do ta quản lý khách chưa tốt. Chúng ta không thể đảm bảo khách đi theo tour 1 cách nghiêm túc, đúng lộ trình, họ không được mua những hàng hóa họ thích như họ mong muốn…

Vì thế, bàn về giải pháp trong khai thác khách Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – ông Vũ Thế Bình khuyến nghị, các địa phương có lợi thế đón khách Trung Quốc cũng như doanh nghiệp lữ hành cần có chính sách quảng bá mạnh, xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách Trung Quốc sau dịch, bởi xu hướng du lịch của khách có thể đã thay đổi.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Thế Bình các địa phương, doanh nghiệp cần nâng cấp, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với khách Trung Quốc. "Để tận dụng được cơ hội đón dòng khách tiềm năng cần sớm có sự chuẩn bị để đón tiếp và khai thác hiệu quả khách Trung Quốc nhằm tránh tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (là tour 0 đồng), tình trạng kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa"- ông Bình nhấn mạnh.

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3: 'Dòng chảy di sản'

Lai Châu: Đặc sắc các hoạt động thể thao, văn hóa dân tộc tại lễ hội PuTaLeng

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 4: Sứ mệnh mới

Sắp diễn ra lễ hội hoa hướng dương lớn nhất TP. Hồ Chí Minh tại Vạn Phúc City

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Southampton và Liverpool, 21h00 ngày 24/11, Ngoại hạng Anh

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 24/11, rạng sáng 25/11: Ipswich Town và MU, Southampton và Liverpool tại Ngoại hạng Anh

Khai mạc Triển lãm mỹ thuật Sắc quê 2 của họa sĩ Quỳnh Thơm

Thừa Thiên Huế: Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế là Di sản tư liệu thế giới

Link xem trực tiếp bóng đá Leicester City và Chelsea, 19h30 ngày 23/11, vòng 12 Ngoại hạng Anh

Thừa Thiên Huế: Công nhận Tri thức may, mặc áo dài Huế là di sản văn hoá phi vật thể

10 năm Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thế giới - Bài 3: Khơi thông nguồn lực phát triển

Nhận định bóng đá Man City và Tottenham, 00h30 ngày 24/11, Ngoại hạng Anh 2024/2025

Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 23/11, rạng sáng 24/11: Tâm điểm Man City và Tottenham, vòng 12 Ngoại hạng Anh

Lai Châu: Khai mạc Lễ hội PuTaLeng “Về miền Đỗ Quyên”

Thị trường đồ trang trí Noel 2024: Đa dạng mẫu mã, không biến động giá

Khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Lai Châu tại TP. Đà Nẵng năm 2024

Nhiều đổi mới tại giải Vô địch các câu lạc bộ Võ cổ truyền quốc gia lần thứ XIII

Xúc tiến, liên kết phát triển du lịch Đà Nẵng - Lai Châu

Khai mạc 'Ngày hội di sản văn hóa Đà Nẵng' năm 2024