Đơn giản hóa thủ tục vay vốn với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hồ sơ, quy trình và thủ tục vay vốn đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện
Cử tri tỉnh Khánh Hòa đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có liên quan nghiên cứu cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận vốn để sản xuất.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, nhằm tạo điều kiện cho người dân (trong đó có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số) tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất và thủ tục, hồ sơ vay vốn. Cụ thể:
Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn theo đúng các quy định của pháp luật; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dịch vụ; các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng số, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại một cách an toàn, thuận lợi.
Theo đó, các tổ chức tín dụng đã đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, triển khai mạnh mẽ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận vốn vay để sản xuất.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tín dụng, hình thức cấp tín dụng (như cho vay lưu vụ, cho vay thông qua các tổ, nhóm của tổ chức chính trị xã hội…) với quy trình thủ tục ngày càng đơn giản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đến ngày 31/7/2022, đã có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội |
Riêng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022, về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 đến năm 2025, với 6 nhóm chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó có các nhóm chính sách về hỗ trợ sản xuất như: Cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Người dân khi vay vốn chương trình này sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục vay vốn, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.
Hơn 1,4 triệu hộ đang thụ hưởng chương trình tín dụng
Theo Ngân hàng Nhà nước, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có thể được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh từ các chương trình tín dụng chính sách nhà nước được triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội như: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo...
Đến ngày 31/7/2022, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 200.979 tỷ đồng, chiếm 73,5% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, đã có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đạt 66.946 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để người dân thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, đối với các thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật như: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gắn liền trên đất, đăng ký giao dịch bảo đảm, kiểm toán báo cáo tài chính… cần có sự phối hợp tích cực hơn từ các bộ, ngành, địa phương, để tạo điều kiện các tổ chức tín dụng rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.