Chủ nhật 22/12/2024 08:06

Doanh nghiệp tự tính toán, công bố giá xăng dầu: Bước đệm quan trọng cho mục tiêu thị trường hóa

Việc để doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá xăng dầu dù còn có sự tranh luận, nhưng là bước đệm quan trọng để đưa xăng dầu dần vận hành theo thị trường.

Trao quyền chủ động cho doanh nghiệp

Bộ Công Thương vừa hoàn thành dự thảo lần 3 Nghị định kinh doanh xăng dầu gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo có những quy định hoàn toàn mới và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Doanh nghiệp sẽ có thể được tự tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ xăng dầu

Cụ thể, một trong những điểm quan trọng mà dự thảo đề xuất là để doanh nghiệp (đầu mối, phân phối) tự tính toán và công bố giá, quyết định giá bán lẻ, Nhà nước sẽ không điều hành giá nhiên liệu.

Trong khi đó, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, Premium được công bố trên thị trường quốc tế tính bình quân 7 ngày/lần theo số ngày có giá xăng dầu thế giới; Chi phí vận tải xăng dầu về Việt Nam, chi phí bảo hiểm đưa xăng dầu về Việt Nam được tính bình quân 1 quý/lần (được rà soát, điều chỉnh khi có biến động bất thường); Lợi nhuận định mức.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, chi phí kinh doanh định mức (biến động hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm/lần hoặc khi có biến động bất thường) để tự tính toán công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) của thương nhân trên thị trường.

Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Nghị định. Thương nhân sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.

Quy định này nhận được sự quan tâm rất lớn bởi đây là lần đầu tiên quy định cho doanh nghiệp tự định giá được đưa vào dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp, đồng thời quan sát rất kỹ những diễn biến thị trường vào giai đoạn năm 2022 – khi cơn khủng hoảng xăng dầu diễn ra khắp thế giới và Việt Nam.

Theo đó, năm 2022, xung đột Nga - Ukraina bùng nổ dẫn tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự trả đũa của Nga; hệ quả đã làm gián đoạn, đổ vỡ chuỗi cung ứng dầu khí vốn đã tồn tại trong nhiều thập niên, tạo áp lực đè nặng với nguồn cung dầu khí toàn cầu. Điều dị biệt trong cuộc khủng hoảng này là giá dầu thô biến động thất thường. Có lúc lên rất cao và xuống cũng rất thấp, gây áp lực rất lớn đến doanh nghiệp.

Thời điểm đó, các doanh nghiệp xăng dầu đã liên tục có kiến nghị đến cơ quan chức năng về việc Nhà nước tính giá chi phí không sát với chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp bị lỗ. Đây cũng là lý do hàng loạt cây xăng đóng cửa, gây nên tình trạng người tiêu dùng phải xếp hàng dài chờ mua xăng trong mệt mỏi. Thậm chí, có thời điểm người tiêu dùng dù có tiền cũng khó mua được xăng.

Do đó, quy định cho phép tự tính toán và công bố giá sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc kinh doanh của mình. Doanh nghiệp nào khéo tính toán chi phí thì sẽ có lợi nhuận cao và ngược lại, doanh nghiệp nào chi phí cao thì sẽ không có lợi nhuận. Doanh nghiệp cũng phải tính toán giá bán ra thị trường sao cho cạnh tranh, có dịch vụ như thế nào để hút khách... Người được lợi lớn nhất trong câu chuyện này chính là người tiêu dùng.

Giá xăng dầu có bị thả nổi?

Nhiều ý kiến cho rằng việc cho doanh nghiệp tự tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ xăng dầu có thể gây lo ngại về nguy cơ "bắt tay làm giá" giữa các doanh nghiệp. Hoặc nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá. Tuy nhiên, đọc kỹ các quy định của dự thảo nghị định, có thể thấy, Nhà nước vẫn có đầy đủ công cụ để kiểm soát giá.

Theo đó, bên cạnh việc các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên tục theo dõi các chi phí phát sinh ảnh hưởng đến giá xăng dầu để công bố kịp thời, Nghị định nêu rõ, “giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại Nghị định. Doanh nghiệp buộc “phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát”.

Như vậy, giá xăng dầu đã có giá trần, doanh nghiệp được chủ động tính toán và công bố giá dưới mức trần đó, đồng thời phải báo cáo thường xuyên với cơ quan quản lý. Đây là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước giữ giá xăng dầu trong tầm kiểm soát, không để doanh nghiệp tự ý công bố giá tùy tiện, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm thanh kiểm tra việc kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định. Cơ quan, doanh nghiệp nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhìn về quá khứ, có thể thấy, giai đoạn trước năm 1988, khi kinh tế hợp tác xã phát sinh nhiều hạn chế, không còn phù hợp với thực tế, ngày 5/4/1988, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Theo Nghị quyết, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài.

Nghị quyết gồm 3 phần: phần I- Tình hình tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp hiện nay; phần II- Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; Củng cố và mở rộng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế; Một số vấn đề quản lý nhà nước trong nông nghiệp; Một số vấn đề về xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa; Tăng cường tổ chức cơ sở Đảng và vai trò của các đoàn thể quần chúng và phần III- Tổ chức thực hiện).

Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Khoán 10 cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993.

Tương tự như vậy, đặt trong câu chuyện giá xăng dầu, hiện nay, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tác động trực tiếp đến đời sống người dân và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lý do Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu. Tuy nhiên, giá xăng dầu hiện nay đã liên thông với thế giới. Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng với những cam kết hết sức chặt chẽ. Nhà nước ta cũng kiên định mục tiêu đưa xăng dầu vận hành theo giá thị trường. Do đó, có thể còn có tranh luận, nhưng thiết nghĩ, việc cho doanh nghiệp tự tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ trước mắt sẽ giúp thị trường trở nên linh hoạt hơn do các doanh nghiệp sẽ có thể cạnh về giá, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Về lâu dài, đây là bước đệm vô cùng quan trọng để từng bước đưa xăng dầu dần vận hành theo thị trường.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Một nhịp đèn hơn 300 xe máy đi ngược chiều: Đừng để nhanh 1 phút, chậm nhiều cuộc đời!

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Trong trại giam, Mr Pips Phó Đức Nam có thấu?

Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025: Quyết định ‘hợp lòng dân’

Đánh thuế bất động sản: Triệt nạn đầu cơ nhưng cần hài hòa lợi ích

'Cáo mượn oai hùm' để lừa đảo tài chính qua mạng

Khi giới trẻ được học cách làm chủ tài chính

Hóa giải thách thức trong triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Từ vụ bắt giữ hơn 200.000 lon nước giải khát: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu