Thứ năm 26/12/2024 21:35

Doanh nghiệp thủy sản mong được tiếp cận vắc xin sớm

Theo phản ánh của các doanh nghiệp thủy sản, hiện đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đang phục hồi tích cực. Để không ảnh hưởng tiến độ giao hàng, các doanh nghiệp mong được tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19 sớm.

Trong 5 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như Thuận Phước, Nam Việt, Sao Ta, Sông Tiền… đã ghi nhận tín hiệu tích cực trong xuất khẩu. Trong đó Thực phẩm Sao Ta đạt doanh số 5 tháng đầu năm khoảng 75 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ, Thuận Phước ghi nhận tăng khoảng 25% doanh thu so với cùng kỳ, còn Vĩnh Hoàn doanh số tăng tới 61%…

Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền (SOTICO) - chia sẻ, so với năm 2020 các đơn hàng xuất khẩu của SOTICO đã cải thiện đáng kể. Đáng mừng hơn là các thị trường truyền thống như EU, Trung Quốc đều có tín hiệu tốt hơn sau khi các quốc gia này mở rộng tiêm chủng vắc xin cho người dân.

“Mặc dù đơn hàng tăng nhưng chúng tôi lại phải đối mặt với làn sóng dịch mới nên buộc phải chia ca hoạt động để đảm bảo an toàn chống dịch. Việc này dẫn tới hiệu quả sản xuất bị chậm lại, ảnh hưởng tới quá trình giao hàng, đó là chưa kể nguy cơ lây nhiễm sẽ khó tránh khỏi nếu xuất hiện ca F0, F1… trong nhà máy. Với những áp lực này, chúng tôi đang chủ động liên hệ với doanh nghiệp cung ứng vắc xin để tìm nguồn tiêm cho công nhân” - bà Ánh cho biết.

Cũng như SOTICO, bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Nam Việt - cho biết, công ty hiện có 6.000 công nhân hoạt động tại các nhà máy ở Cần Thơ, An Giang. Để đảm bảo an toàn sản xuất và sức khỏe cho người lao động, lãnh đạo công ty đã thường xuyên khích lệ và yêu cầu họ thực hiện đúng các quy định 5K của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện giãn cách trong nhà máy cho công nhân. Tuy vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế nên Nam Việt đang trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tiếp cận nguồn vắc xin nhanh chóng.

Mong muốn của hai doanh nghiệp nói trên cũng là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay. Bởi lẽ theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ và Nam Trung bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 - 3.000 người, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 - 10.000 lao động, mật độ lao động cao. Trong 3 năm trở lại đây, ngành thủy sản đã góp phần đảm bảo việc làm và sinh kế cho nông-ngư dân tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu của đất nước với khoảng 8,5 - 8,8 tỷ USD/năm. Song hiện nay với diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng tới hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và các nhà máy có sử dụng nhiều lao động.

“Thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia điển hình về thành công trong phòng chống dịch và giữ vững sản xuất ổn định. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tiếp tục duy trì được điều này, thành quả của cả hệ thống chính trị, của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người lao động sẽ có nguy cơ bị phá vỡ. Khi một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam”- VASEP phân tích.

Trong bối cảnh đó, cuối tháng 5 vừa qua, VASEP đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VASEP - đại diện cho các doanh nghiệp thủy sản thành viên được đăng ký mua 500.000 liều vắc xin mà Chính phủ đang đặt mua theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ. Toàn bộ chi phí mua 500.000 liều vắc xin và tổ chức tiêm, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ chủ động đóng góp đầy đủ ngay theo kế hoạch của Chính phủ.

Trong 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu thủy sản đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Mỹ, EU và các thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang chi phối sự tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản. Hiện các doanh nghiệp đều ghi nhận đơn hàng đến giữa tháng 8/2021.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Mai Ca

Tin cùng chuyên mục

Giám đốc kinh doanh Home Credit Việt Nam: Khách hàng là trọng tâm của mọi chiến lược

Công ty Thủy điện Sông Bung: Ứng dụng công nghệ giám sát máy biến áp theo thời gian thực

PC Thừa Thiên Huế: Thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng Tri ân khách hàng

Vĩnh Phúc: Công ty cổ phần Hoàng Anh Agritech kỷ niệm 5 năm ngày thành lập

Petrolimex trao giải chương trình ‘Hóa đơn trao tay - Vận may bất ngờ’ khu vực Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh

Dược phẩm Napharco: Đem tới sản phẩm chất lượng chăm sóc sức khỏe Việt

Nhà máy Dược phẩm Napharco: Hiện đại hóa, tiên phong vì sức khỏe người Việt

13 kỹ sư EVNCPC được vinh danh 'Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN' năm 2024

Cần rõ ràng các điều kiện về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Hà Nội tôn vinh 109 doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long năm 2024

Nhiệt điện Phả Lại tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo hưởng ứng ''Tuần lễ hồng EVN lần thứ X''

Tôn Đông Á đạt giải Vàng Chất lượng Quốc gia

Mộc Châu Milk ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý và chăn nuôi bò sữa

Chính thức cung cấp dịch vụ 5G tốc độ nhanh nhất hiện nay, VNPT bước vào không gian phát triển mới

Doanh nghiệp sữa Cô gái Hà Lan được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia

EVN tiếp tục nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2025

Bảo hiểm số OPES mang lại kết quả ‘xanh-bền’ từ cây sinh kế gieo tặng bà con Lộc Tân

PC Đắk Nông: Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa dịp cuối năm

Saigon Co.op tặng 900 vé xe 0 đồng cho người lao động về quê đón Tết Nguyên đán 2025

Grab và DatVietVAC hợp tác gia tăng quyền lợi cho người dùng tại Việt Nam