Doanh nghiệp tất bật trở lại “guồng” sản xuất ngay sau Tết
Từ sáng sớm ngày mùng 7 Tết (tức ngày 7/2/2022), tất cả công nhân của Công ty cổ phần Furnis đã trở lại sản xuất bình thường tại hai nhà máy ở Đồng Tháp và Đồng Nai. Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Furnis chia sẻ rằng, trong tuần này công ty dự kiến sẽ đóng khoảng 10 container hàng đi châu Âu và Mỹ nên từ trước Tết đã làm việc với công nhân về kế hoạch sau Tết cũng như có các chính sách lương, thưởng cho lao động trở lại làm việc.
Sau 1 tuần nghỉ Tết, từ ngày 5 và ngày 6/2 hàng trăm ngàn người lao động các tỉnh thành đang tấp nập trở lại phía Nam để sẵn sàng làm việc từ ngày 7/2. |
Giống như Công ty cổ phần Furnis, ông Nguyễn Tấn An - Phó giám đốc Công ty ván sàn Sao Nam (Bình Dương) cho biết doanh nghiệp này đã hoạt động 100% công suất ngay từ ngày đầu tiên khởi động và như mọi năm thì thời điểm này vẫn đang làm cao điểm xuất khẩu của ngành gỗ nên mỗi tháng doanh nghiệp sẽ đóng khoảng 20 container hàng xuất khẩu.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của Ban quản lý các Khu công chế xuất- Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA), ngay trong ngày 7/2 đã có gần 1.000/1.440 doanh nghiệp trong các KCX-KCN của Thành phố tái hoạt động trở lại với khoảng 80% công suất thiết kế.
Theo đánh giá của ông Trần Việt Hà - Phó Trưởng Ban HEPZA, tỷ lệ tái hoạt động sau Tết của doanh nghiệp tại các KCX-KCN năm nay rất cao. Điều này xuất phát từ chính sách lương, thưởng Tết cũng như các chính sách giữ chân công nhân mà các doanh nghiệp đã thực hiện từ trước đó. Khả năng rất cao là trong tuần này số lượng công nhân còn lại sẽ trở lại làm việc bình thường.
Còn tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHPT), ngoại trừ Nidec VN có 3.000 người nghỉ Tết thì các doanh nghiệp ở đây hầu như đều làm việc xuyên Tết. Bà Lê Bích Loan - Phó Ban SHPT cho biết, để có thể “huy động” công nhân làm việc như vậy, các doanh nghiệp tại đây đã trả lương gấp 4 lần so với bình thường cho công nhân. Do đó, ngay từ ngày đầu tiên khởi động lại, mọi hoạt động sản xuất tại SHPT gần như trở lại bình thường.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác như dệt may, lúa gạo thì cho biết từ ngày mai (8/2) mới bắt đầu cho công nhân trở lại nhà máy. Chẳng hạn với dệt may, ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn 3 thông tin, 100% công nhân (khoảng 1.300 người) của May Sài Gòn 3 đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh để sẵn sàng làm việc từ ngày 8/2.
Hay với Công ty TNHH Vrice cũng đã sẵn sàng nhân lực để tuần này hoạt động bình thường. Doanh nghiệp cũng dự kiến chỉ kịp tập kết và đóng hàng, hun trùng trong tuần này, việc xuất khẩu lô hàng đầu tiên sẽ dời sang tuần tới.
Trước đó, ngay từ ngày mùng 2 Tết nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã quay lại sản xuất sớm nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong đó tại Công ty Vĩnh Thành Đạt có 60% công nhân đã quay trở lại làm việc với tâm lý ổn định. Doanh nghiệp này cũng nhận nhiều đơn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết. Còn tại Công ty Tân Quang Minh cũng trở lại sản xuất từ mùng 4 Tết với khoảng 70% công nhân và gần như ổn định hoạt động sau kỳ nghỉ lễ.
Có thể thấy, trái với tâm lý lo lắng rằng công nhân sẽ trở lại chậm sau Tết thì rất nhiều doanh nghiệp nhờ chính sách linh hoạt thích ứng đã bắt tay hoạt động bình thường. Theo các doanh nghiệp, để làm được điều này, bên cạnh các chế độ lương thưởng, doanh nghiệp cho phép công nhân ở xa được về quê sớm đón Tết thì việc tăng tiền thưởng, tiền sản xuất nhằm giữ một phần công nhân ở lại thành phố là những giải pháp đã được doanh nghiệp thực hiện để giúp nhà máy hoạt động đúng kế hoạch. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng cho biết do dịch vẫn còn phức tạp, giá cước vận chuyển còn cao nên mọi hoạt động đều được doanh nghiệp cân nhắc cẩn thận để tránh việc rơi vào khó khăn như năm vừa qua.