Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh: Không tăng giá hàng Tết
Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sở, ngành, làm việc với DN, chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Theo đó, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020; trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường 7.132,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường 4.172,4 tỷ đồng.
Hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu của người dân |
Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, lượng hàng chuẩn bị tiêu thụ Tết năm nay tăng 4,4 - 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12 - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 - 54,5% nhu cầu thị trường, như: Thịt gia cầm 7.488,2 tấn (54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)... Tổng dự trữ trên do các DN thương hiệu mạnh, quy mô chi phối thị trường trong mảng phân phối như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Big C, Aeon Citimart… và các đơn vị cung ứng chủ lực mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Vissan, Sagrifood, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt; Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương; Thành Thành Công; Colusa - Miliket, Bình Tây; San Hà, Long Bình, Feddy (thịt gia cầm); Phong Thúy, Thảo Nguyên, Phước An; Liên Thành… thực hiện.
Hiện, các DN đã hoàn tất kế hoạch chuẩn bị nguyên vật liệu cho sản xuất hàng hóa với sản lượng dự kiến tăng bình quân khoảng 20% so với các tháng thường. Chẳng hạn, với Công ty TNHH Meizan, ngay từ thời điểm miền Trung mưa bão, DN này đã huy động tối đa công suất để kịp thời cung ứng các sản phẩm nui, mì cho người dân vùng lũ; công suất hoạt động của DN vẫn được duy trì để đảm bảo cho dịp Tết sắp tới. Với Saigon Co.op, từ kế hoạch được thành phố giao, đã chủ động làm việc với nhà cung cấp để có nguồn hàng chất lượng, giá thành hợp lý cho người tiêu dùng. Nhà bán lẻ này cũng dự kiến tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đến 50% các mặt hàng như bánh, mứt, kẹo, thực phẩm, nước giải khát… để chia sẻ áp lực chi tiêu cho khách hàng.
Để bổ sung nguồn hàng Tết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố và Bộ Công Thương, Sở Công Thương đã phối hợp các tỉnh, thành phố tổ chức thành công Chương trình Kích cầu tiêu dùng năm 2020 và Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố năm 2020. Trong đó, riêng Hội nghị Kết nối cung - cầu đã có 597 nhà cung ứng của 43 tỉnh, thành phố trong cả nước và hơn 1.500 DN tham gia, kết nối 595 hợp đồng giữa các DN. Đồng thời, Sở còn phối hợp và tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng Tết, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ đó, dự báo, thị trường Tết trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá hợp lý.
Để đảm bảo hàng hóa cung ứng chất lượng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Trưởng Ban quản lý các chợ truyền thống quán triệt tiểu thương, người kinh doanh cam kết 100% không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc; theo dõi sát diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu... |