Doanh nghiệp sử dụng lao động thế nào để không vi phạm cam kết hội nhập?
Nửa triệu lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc
Lao động dưới 18 tuổi được coi là lao động đặc thù, họ chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất cũng như tinh thần. Căn cứ Điều 147 Bộ luật Lao động 2019, cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc: Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ; công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.
Còn nhiều lao động trẻ em phải làm công việc nặng nhọc. Ảnh minh họa |
Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm; công trường xây dựng; cơ sở giết mổ gia súc; sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử; nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên. Bên cạnh đó, lao động dưới 18 tuổi chỉ được làm việc tối đa 8 giờ/ngày và tối đa 40 giờ/tuần.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật, thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em, song trên thực tế, có nhiều lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, tăng ca làm thêm giờ vào ban đêm.
Số liệu thống kê về lao động trẻ em tại Việt Nam cho thấy, khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 15-17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương hơn 1 triệu trẻ, trong đó khoảng 520.000 trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm... 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần. Đây là những con số đáng lưu tâm đối với các nhà hoạch định chính sách và cũng là thách thức không nhỏ trong việc bảo đảm quyền trẻ em nói chung, quyền của lao động trẻ em nói riêng.
Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, do đó, phải chủ động cam kết về phòng ngừa, giảm thiểu và hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em để phù hợp với “luật chơi” quốc tế. Cụ thể trong vấn đề lao động, Hiệp định EVFTA đặt ra các tiêu chuẩn, quy định về lao động và thừa nhận mối liên hệ giữa quyền của người lao động với thương mại; quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp...
Khó vẫn phải làm
Trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp; cản trở việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho các em, làm mất đi quyền của trẻ và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực tương lai.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ các nước trong việc thực hiện mục tiêu 8.7 liên quan đến xóa bỏ lao động trẻ em, Liên minh 8.7 đã được hình thành là đối tác toàn cầu cam kết thúc đẩy hành động, hành động dựa trên sáng kiến, tạo kiến thức và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tập hợp đối tác ở tất cả các cấp nhằm đạt được mục tiêu 8.7.
Việt Nam đã cam kết và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 8.7. Để thực hiện mục tiêu, Việt Nam đề ra lộ trình giảm dần tỷ lệ lao động trẻ em, tương ứng <9%>
Tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.
Để thực hiện mục tiêu, giải pháp được đề ra, đó là: Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Đồng thời, tăng cường phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, ngành; phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em...
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chương trình, định kỳ khảo sát quốc gia về lao động trẻ em...
Dù đã có nhiều chương trình hành động và đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khó đạt được mục tiêu khi vẫn có 15% trẻ em đang phải lao động trái pháp luật, với nhiều công việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng. Và đâu đó còn nhiều góc khuất chưa nhận diện.
Chia sẻ những khó khăn trong phát hiện vi phạm sử dụng lao động trẻ em, song TS. Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra khuyến cáo cho doanh nghiệp: “Trong kinh doanh xuất khẩu với đối tác châu Âu, chỉ cần sản phẩm có dấu hiệu sử dụng lao động trẻ em hoặc lạm dụng sức lao động thì sẽ từ chối đơn hàng”.
Để xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, giới chuyên gia khuyến nghị: Quy trình tuyển dụng lao động của doanh nghiệp phải chặt chẽ, nhất là khâu xác minh hồ sơ; yêu cầu nhà cung ứng cam kết sử dụng lao động đủ tuổi theo luật… Với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cơ quan chức năng cần chỉ rõ mức phạt, nguy cơ xử lý hình sự để thay đổi nhận thức người dân. |