Thứ sáu 27/12/2024 07:24

Doanh nghiệp phải sẵn sàng nguồn lực trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ

Xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải sẵn sàng các nguồn lực cần thiết trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam là luôn hiện hữu. Vì vậy, việc chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng nguồn lực ứng phó hết sức quan trọng. Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ - đã chia sẻ về vấn đề này với Báo Công Thương.

Việc chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng nguồn lực ứng phó điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường Hoa Kỳ rất quan trọng. Ảnh: TTXVN

Gần đây, xuất hiện nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại, nhất là điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Xin ông cho biết thêm về vấn đề này, cũng như tác động của các vụ kiện đối với doanh nghiệp Việt Nam?

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ khoảng 94 tỷ USD. Trong đó, thặng dư thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ rất lớn. Đây chính là lý do ngành sản xuất của Hoa Kỳ luôn luôn theo đuổi các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường, vì thế, hiệp hội ngành hàng, các nhà sản xuất Hoa Kỳ cũng luôn coi Việt Nam là đối tượng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, hiện, Hoa Kỳ mới ban hành các quy định mới về điều tra phòng vệ thương mại (đặc biệt là biện pháp trợ cấp) nhằm tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, đồng nghĩa với việc gánh nặng chứng minh sẽ nhiều hơn với doanh nghiệp xuất khẩu và chính phủ nước xuất khẩu. Điều đáng lưu ý, các chương trình trợ cấp được mở rộng nội hàm và phạm vi khiến những chính sách của Chính phủ mà các doanh nghiệp FDI mang quốc tịch cũng sẽ bị xem xét trong điều tra trợ cấp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh diễn ra bầu cử Hoa Kỳ vừa qua, tương quan ủng hộ, lực lượng giữa 2 ứng cử viên rất sát nhau, và trong các chính sách của chính quyền đều hướng về nội bộ Hoa Kỳ để hy vọng có thêm được nhiều lá phiếu cử tri hơn nữa từ bang chiến địa. Theo đó, một số nghiệp đoàn đại diện cho công nhân Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ chính quyền. Và đương nhiên, các doanh nghiệp trong ngành đó mong muốn sự ủng hộ của họ phải xứng đáng và được đền đáp thông qua các biện pháp mang tính bảo hộ, bảo hộ kỹ thuật.

Ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN

Thiệt hại lớn nhất khi Hoa Kỳ gia tăng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đó là doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực hơn nữa để tham gia, theo đuổi vụ kiện. Mặt khác, mức thuế đối với hàng hoá xuất khẩu có thể tăng cao khi các chương trình trợ cấp được mở rộng phạm vi và nội hàm.

Đồng thời, có thể bị kiện ở bất kỳ ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn hay nhỏ. Nguy cơ dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu có xu hướng “đề phòng”, chuyển hướng nhập khẩu từ các đối tác khác. Và cuối cùng, các nước khác cũng có thể xem xét khởi kiện nếu vụ kiện ở Hoa Kỳ về mặt hàng đó thành công, mang lại lợi ích sản xuất trong nước của doanh nghiệp Hoa Kỳ.

So với nhiều thị trường, các quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ được cho là chặt chẽ, ngặt nghèo hàng đầu. Theo ông, điều này đang gây khó ra sao đối với doanh nghiệp Việt Nam?

Các quy định về phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ có thể coi là mẫu mực và định hướng chung cho các nước khác có thể học hỏi, áp dụng. Hiện nay, hệ thống phòng vệ thương mại của Mỹ do hai cơ quan liên quan phụ trách đó là Bộ Thương mại Hoa Kỳ (điều tra biên độ, mức thuế và áp thuế) và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước). Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư nguồn lực để ứng phó với các vụ điều tra tại cả hai cơ quan này để tăng cơ hội thắng kiện.

Đối với Bộ Thương mại Hoa Kỳ thường đưa ra nhiều nội dung, khối lượng thông tin bằng cách gửi bản câu hỏi với thời hạn trả lời giới hạn (mặc dù có thể gia hạn nhưng không nhiều); họ có thể gửi nhiều lần nếu thấy chưa đầy đủ. Chỉ cần doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thiếu/sai/hợp tác không đầy đủ, thì ngay lập tức sẽ bị sử dụng các dữ liệu sẵn có (thường là bất lợi) để tính toán mức thuế. Ngoài ra cơ quan này còn yêu cầu kỹ về các certificates (chứng nhận) gửi kèm và phải nộp lên hệ thống riêng của cơ quan này. Các doanh nghiệp của Việt Nam nếu chưa tìm hiểu kỹ, hay thiếu kinh nghiệm, rất dễ nộp thiếu các chứng nhận dẫn đến việc không được xem xét áp dụng mức thuế phù hợp.

Do Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nên một số doanh nghiệp của Việt Nam đã tương đối quen với các vụ việc do có kinh nghiệm từ những vụ trước và chủ động xử lý. Tuy nhiên, với doanh nghiệp lần đầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, khi vướng vào các vụ kiện, sẽ rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của luật sư tư vấn am hiểu pháp luật Hoa Kỳ, tuy nhiên, giá thuê luật sư Hoa Kỳ là không rẻ.

Đến nay, trong các vụ việc, doanh nghiệp Việt Nam thường đứng trước các rủi ro nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Nhưng Hoa Kỳ thường điều tra nhóm nước, nếu các doanh nghiệp chủ động ứng phó tốt, thì mức thuế bị áp dụng sẽ thấp hơn các quốc gia khác.

Vậy, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ có thể nêu các khuyến nghị tới doanh nghiệp nhằm phòng, chống hiệu quả trước các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường này?

Khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng là mình có thể bị kiện phòng vệ thương mại bất cứ lúc nào, vì doanh nghiệp Hoa Kỳ tận dụng rất hiệu quả công cụ này. Hiện, Hoa Kỳ là quốc gia kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới và trong Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) trên cơ sở yêu cầu từ doanh nghiệp Hoa Kỳ và trong một số trường hợp là do cơ quan thương mại Hoa Kỳ khởi xướng.

Do đó, để ứng phó với các vụ kiện từ thị trường, doanh nghiệp cần tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ để chủ động nắm bắt thông tin từ sớm, từ xa. Qua đó, cung cấp thông tin cho cơ quan liên quan trong quá trình vận động giải trình trong các vụ điều tra. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các công cụ phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, cũng như quy trình, thủ tục để có kiến thức pháp luật về vấn đề này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải luôn chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, phù hợp để xử lý vụ việc khi vụ việc xảy ra, như lưu trữ hồ sơ, tài liệu chứng từ về nguyên liệu đầu vào phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xem xét hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu từ các thị trường bị Hoa Kỳ “để ý” và coi là đối tượng áp các biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu vụ việc xảy ra, cần hợp tác đầy đủ với cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, kể cả các đoàn điều tra của Hoa Kỳ sang Việt Nam điều tra thực tế.

Với mục tiêu “phòng” hơn “chống”, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Dù Hoa Kỳ chưa công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, tuy nhiên, qua các vụ rà soát vừa qua, chúng ta nhận được sự ủng hộ của đối tác Hoa Kỳ với doanh nghiệp là rất tốt dựa trên các đánh giá về tiêu chí chất lượng, giá cả của hàng hoá. Đây là tín hiệu rất tích cực, theo đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ kiên trì theo đuổi vấn đề này.

Ở góc độ tại thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cam kết ủng hộ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu; tích cực hỗ trợ trong phạm vi chức năng nhiệm vụ để các doanh nghiệp có thể đạt được kết quả tốt nhất trong vụ kiện. Trong đó, Thương vụ sẽ tiếp tục theo dõi số liệu xuất nhập khẩu, thu thập thông tin từ nhiều bên liên quan để có thể cảnh báo sớm các vụ kiện có thể xảy ra. Đặc biệt là thắt chặt quan hệ với các công ty luật tại thị trường có nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Thương vụ cũng sẽ tiếp tục tận dụng các kênh thông tin để trao đổi, làm việc với đối tác, cơ quan liên quan của Hoa Kỳ, tăng cường tham vấn với Bộ Thương mại Hoa Kỳ; kiên trì bày tỏ quan điểm, lập luận trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan. Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ báo cáo Đại sứ và phối hợp với các đơn vị liên quan của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ để tiếp tuc vận động, trao đổi các kênh kỹ thuật ở các cấp khác nhau để có thể hỗ trợ quá trình xử lý vụ việc mà cơ quan chức năng Hoa Kỳ đặt ra.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ áp dụng chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường mía

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

EU khởi xướng điều tra tự vệ đối với một số hợp kim gốc mangan và silicon

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong xúc tiến thương mại và đầu tư tại Hoa Kỳ

Nấm Mối Đen Uyên Khang: Khẳng định thương hiệu nhờ sàn thương mại điện tử

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Phòng vệ thương mại: Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất

Ocean City tổ chức hội chợ xuân Giảng Võ, quy tụ gần 200 gian hàng Việt Nam và Quốc tế

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Thương mại điện tử: Khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế số

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Phòng vệ thương mại triển khai đồng bộ, toàn diện: Tiền đề giúp khơi thông nguồn lực phát triển