Thứ tư 18/12/2024 22:28

Doanh nghiệp ngoại thi nhau mở điểm bán, bức tranh thị trường bán lẻ nội cuối năm 2024 ra sao?

Không đứng ngoài xu thế mở điểm bán sôi động trên thị trường của các doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ nội cũng đang gia tăng các điểm bán.

Bán lẻ nội gia tăng điểm bán mới

Hệ thống bán lẻ nội đang nỗ lực gia tăng các điểm bán mới khi ngày 15/11, đại siêu thị Co.opXtra Tạ Quang Bửu tọa lạc tại tầng 2, trung tâm thương mại Central Premium (quận 8, TP Hồ Chí Minh) chính thức khai trương. Co.opXtra Tạ Quang Bửu có diện tích khoảng 3.000m2, cung cấp hơn 30.000 mặt hàng nhu yếu chất lượng.

Trước đó, trung tuần tháng 10, Saigon Co.op cũng khai trương Co.opXtra tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Grand Park (phường Long Bình, TP Thủ Đức). Với tổng diện tích kinh doanh từ 3.500 m2 đến 4.000 m2, siêu thị trên được đầu tư mạnh về cơ cấu ngành hàng, không gian mua sắm, cập nhật xu hướng công nghệ của bán lẻ hiện đại, mang đến trải nghiệm mua sắm, giải trí thú vị cho người dân thành phố.

Cùng với điểm bán này, mới đây, nhà bán lẻ Satra cũng công bố kế hoạch mở trung tâm thương mại thứ 3 tại Quận 6. Dự kiến, điểm bán sẽ có diện tích sàn xây dựng gần 30.000m², quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm. Các ngành hàng chủ lực tại đây bao gồm ẩm thực, giải trí, thời trang, phụ kiện, trang sức, khu vui chơi, siêu thị đa ngành hàng… hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo các nhóm khách hàng trẻ và gia đình đến tham quan, mua sắm.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị thị trường bán lẻ bách hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tỷ lệ 2,8% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2028. Quy mô thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam sẽ tăng lên 20 tỷ USD trong thập kỷ tới, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động và tăng trưởng doanh thu.

Mặc dù khả năng tăng trưởng quy mô thị trường thấp, song theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt, làn sóng gia nhập thị trường bán lẻ tạp hóa từ cả chuỗi hàng tạp hóa trong nước và nước ngoài trong những năm gần đây vẫn mạnh mẽ, với các thương hiệu như Go!, Aeon, BigC, Winmart, Bách hóa Xanh.... Điều này cho thấy thị trường bán lẻ bách hóa của Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các chuỗi hiện đại.

Doanh nghiệp bán lẻ nội gia tăng điểm bán và triển khai nhiều giải pháp kích cầu (Ảnh: Winmart)

Tại Gala 15 năm ngành Công Thương triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Phương - Tổng Giám đốc WinCommerce chia sẻ, công ty sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024 với khoảng 100 cửa hàng minimart mới trong mỗi quý, tương đương với việc mỗi ngày mở trung bình 1 cửa hàng, hướng đến mục tiêu có 4.000 cửa hàng vào cuối năm nay.

Chuỗi WinCommerce hiện đặt mục tiêu đạt 10.000 cửa hàng vào năm 2030. Như vậy, tốc độ mở mới điểm bán của WinCommerce sẽ lên đến 1.000 cửa hàng/năm từ nay đến năm 2030; qua đó, kỳ vọng trở thành đơn vị bán lẻ có độ phủ lớn nhất Việt Nam.

“Thời gian tới, WinCommerce không chỉ tập trung tại các vùng đô thị lớn mà còn mở rộng ra các khu vực nông thôn, đặc biệt là các vị trí gần khu dân cư” – bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ.

Đa dạng giải pháp thu hút khách hàng

Để thu hút khách hàng, các kênh bán lẻ Việt đang triển khai hàng loạt các chương trình hấp dẫn. Đơn cử, chương trình “Tri ân triệu cảm xúc” của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đang triển khai với chủ đề “Tuần lễ trái cây” với mức giảm giá từ 20 - 25% cho hơn 100 mặt hàng trái cây nhiệt đới và ngoại nhập. Cùng với đó, hàng loạt chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng, gồm: Siêu ưu đãi – Deal khủng cuối tuần; Shopping Season; Hạng càng cao giảm càng sâu…

Đối với Satra, kênh bán lẻ thuần Việt này tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường với phổ sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh. Những đơn vị trong hệ thống bán lẻ Satra đã phối hợp với Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan)… để có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng rau củ quả, thủy hải sản và thịt gia súc… bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa trên toàn hệ thống; trong đó, Vissan dự kiến cung ứng ra thị trường gần 930 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với tết Giáp Thìn 2024) và khoảng 3.700 tấn thực phẩm chế biến (tăng khoảng 8% so với cùng kỳ) cung cấp cho hơn 120.000 điểm bán hàng trên cả nước.

Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển vì kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 48%, Philipines là 75% và Singapore cùng nhiều các nước phát triển khác là 80%.

Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhận định, doanh nghiệp bán lẻ đang phải cạnh tranh gay gắt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân đến mua sắm tại các kênh hiện đại. Theo đó, những mô hình chuyên doanh, xác định theo nhu cầu riêng biệt có tốc độ tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, có những sản phẩm hiện tăng rất cao, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, đây là cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp bán lẻ mà còn với doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường trong nước vẫn đang khẳng định vị thế là cấu phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Để tạo động lực cho thị trường nội địa các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới phương thức kinh doanh, tạo ra sự khác biệt trong quá trình phục vụ, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng.

Đặc biệt, Việt Nam có thế mạnh sản xuất nhiều mặt hàng, từ nông sản đến hàng tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp sản xuất cần bắt tay với nhà phân phối đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng, giá hợp lý một cách nhanh nhất, đồng thời có các chính sách khuyến mại, hậu mãi để giữ chân người mua và tạo uy tín thương hiệu.

Lan Phương
Bài viết cùng chủ đề: Bán lẻ hàng hoá

Tin cùng chuyên mục

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/12: Giá cà phê Arabica tăng 2,47%

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/12: Giá ca cao tăng vọt tuần thứ 5 liên tiếp

Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'?

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thị trường hàng hoá duy trì bình ổn, không để thiếu hàng cho dịp Tết Ất Tỵ

Xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết năm nay

Nguồn cung hàng hóa sẵn sàng, doanh nghiệp tăng 30% sản lượng hàng Tết so với năm 2024

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/12: Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/12: Giá bạc neo tại vùng đỉnh một tháng

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của Công ty TNHH Nam Dương Invest

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường đồ trang trí ảm đạm trước thềm Giáng sinh

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/12: Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn

TP. Hồ Chí Minh: Bán hàng bình ổn thị trường Tết, nhiều hàng hóa giảm giá sâu

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/12: Trung Đông tiếp tục ‘nóng’, giá dầu thế giới quay đầu phục hồi

Thị trường hàng hóa hôm nay 9/12: Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều

Tìm giải pháp phát triển bền vững hệ thống phân phối bán lẻ

Giải ‘bài toán’ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp bán lẻ

Hợp tác chiến lược thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển bền vững

Công điện của Bộ Công Thương về đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng