Doanh nghiệp lo ngại xuất khẩu suy giảm sau chính sách phong tỏa biên giới của EU
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 2 vừa qua, xuất khẩu da giày nói chung đã sụt giảm tới 60% so với cùng kỳ do tác động từ dịch COVID-19. Hiện tại doanh nghiệp chưa hết khó do nguyên phụ liệu cho sản xuất đang cạn dần thì nay lệnh phong tỏa biên giới châu Âu trong 30 ngày vừa được ban hành lại giáng thêm một đòn mạnh nữa.
Xuất khẩu gỗ có thể sụt giảm do tác động từ dịch COVID-19 |
Phân tích cụ thể, vị này cho hay, EU đang là thị trường lớn thứ 2 của ngành da giày Việt Nam. Cụ thể, năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách mang về 22 tỷ USD, trong đó, riêng xuất khẩu sang EU đạt khoảng 5,65 tỷ USD (giày dép đạt khoảng 4,65 tỷ USD, túi xách đạt 1 tỷ USD). Chính vì thế khi châu Âu đóng cửa chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu da giày của Việt Nam. “Hiện chúng tôi vẫn chưa thể đánh giá tác động cụ thể ảnh hưởng như thế nào song chắc chắn là không nhỏ” - vị này chia sẻ.
Với dệt may, nhiều doanh nghiệp như đang ngồi trên lửa bởi việc đóng cửa biên giới 30 ngày đồng nghĩa với việc các đơn hàng giao thương cũng ngưng trệ ít nhất là trong suốt khoảng thời gian này. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) - chia sẻ, sáng nay khi thông tin trên báo chí nêu việc châu Âu đóng cửa đã khiến nhiều doanh nghiệp của hội gọi điện tới bày tỏ lo lắng cho hoạt động xuất khẩu sắp tới.
Theo ông Hồng, dệt may Việt xuất qua châu Âu chiếm tỷ trọng khá lớn với hơn 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Và sắp tới, doanh nghiệp dù có đơn hàng đã ký cũng không thể giao cho đối tác mà phải đợi khi hết lệnh phong tỏa mới hoạt động trở lại. Điều đáng lo ngại hơn, ngoài châu Âu thì một số nước khác là Mỹ, Nga, Canada… cũng đóng cửa biên giới để tránh sự lây lan của dịch COVID-19 càng làm doanh nghiệp khó hơn.
Theo ước tính của AGTEK, trong tháng 3 này sẽ có tới 50% doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngưng sản xuất. Số doanh nghiệp này chủ yếu rơi vào nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi thiếu nguyên liệu sản xuất, thanh khoản yếu.
Tương tự, gỗ cũng là mặt hàng bị tác động từ chính sách này. Theo đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), mặc dù đóng cửa biên giới không đồng nghĩa với đóng cửa hàng hóa nhưng chắc chắn sức mua của thị trường B2B sẽ giảm và sẽ xảy ra tình trạng chậm thanh toán.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HQĐT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) - khẳng định, tình hình xuất khẩu sắp tới sẽ ảnh hưởng nặng bởi tỷ trọng xuất khẩu qua EU của doanh nghiệp này đang chiếm tới 40%.
Hiện tại các hiệp hội ngành hàng đang họp bàn để tìm phương án giảm thiệt hại do tác động đóng cửa biên giới gây ra. Các doanh nghiệp cho biết, ngoài thị trường châu Âu, để duy trì hoạt động họ vẫn đang duy trì xuất khẩu sang một số nước khác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng số lượng không đáng kể. Trong khi đó việc tìm thị trường khác hiện tại rất khó khăn. Đơn cử như châu Phi và Trung Đông cũng là thị trường doanh nghiệp nhắm tới song giá thành bán sản phẩm lại thấp, thanh toán cũng khó khăn.