Doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng xuất khẩu
Xuất khẩu phục hồi
Tiếp tục đà phục hồi kinh tế từ những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao với mức xuất siêu 1,54 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022. Bà Trương Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai - cho biết, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt trên 21,8 tỷ USD, xuất siêu 3,15 tỷ USD và 8 năm liên tục Đồng Nai duy trì xuất siêu ở mức cao.
Doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh |
Từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương đạt trên 6 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh tính đến đầu tháng 3/2022 đạt trên 7,38 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, sau thời gian dài sản xuất toàn cầu ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới từng bước phục hồi trở lại, lượng hàng hóa tồn kho rất thấp. Hiện, đơn hàng tăng ở nhiều thị trường, DN không lo thiếu đơn hàng mà chỉ lo không có đủ nguồn lực để sản xuất vì giá nguyên liệu và giá cước vận tải đều cao.
Với ngành dệt may, nhiều DN đã có đơn hàng đến hết quý II/2022, một số DN đã đàm phán đơn hàng cho cả năm và đang tích cực sản xuất để đáp ứng tiến độ. Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, ngành dệt may đã có vị thế nhất định trên thị trường thế giới nhờ duy trì năng lực cung ứng hàng hóa trong suốt hai năm xảy ra dịch bệnh.
Tận dụng ưu đãi thuế để tăng xuất khẩu
Đại dịch Covid-19 gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới, để tồn tại và phát triển bền vững, DN phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn, dài hạn, khai thác các lợi thế từ các FTA Việt Nam đã ký kết nhằm duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều DN xuất khẩu cho hay, các FTA là cơ hội rộng mở cho xuất khẩu trong đại dịch. Tuy có biến động nhưng DN vẫn giữ được thị phần và từng bước mở rộng thị trường. Nhiều DN đã mạnh dạn tái cơ cấu sản phẩm, chuyển đổi số và tích cực tận dụng ưu đãi từ các FTA để nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo bà Delphine Rousselet - Giám đốc điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội hợp tác cho DN Việt Nam với các đối tác của EU. Do vậy, dù dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU vẫn tăng do nhiều dòng thuế giảm về 0%. Dự tính, trong những năm tới, xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tiếp tục tăng cao.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối năm 2021, tỷ lệ các DN hưởng ưu đãi về chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới đạt khoảng 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký FTA. Điều này chứng tỏ, Việt Nam chưa khai thác hết những ưu đãi về thương mại hàng hóa tại các thị trường có FTA. Như vậy, dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa còn rất lớn để khai thác.
Ông TRẦN VIỆT ANH - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn: DN phải có sự chuẩn bị kỹ kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần nâng cấp sản phẩm để phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu. |