Thứ hai 25/11/2024 00:09

Doanh nghiệp FDI chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ

Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 3,48 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tăng 19,5% so với cùng kỳ.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý III/2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và các Hiệp hội ngành gỗ tổ chức sáng 9/8 tại Bình Dương.

Tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – thông tin, với tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, đặc biệt là đối với một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%) so với cùng kỳ năm 2023. Các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Vì vậy, lũy kế giá trị xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5 % so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, sản phẩm gỗ đạt 5,967 tỷ USD, tăng 22,2 %; gỗ đạt 2,785 tỷ USD, tăng 20,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 609 triệu USD, tăng 4,6%.

7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 9,361 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm (Ảnh: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam)

Cũng theo ông Triệu Văn Lực, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể, với thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,019 tỷ USD, tăng 24%; Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, tăng 37,92%; EU đạt 555 triệu USD, tăng 22,44%. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,99 tỷ USD, tăng 22,3%, doanh nghiệp trong nước đạt 5,371 tỷ USD, tăng 19,2%. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,504 tỷ USD, tăng 22,3 % so với năm 2023. Giá trị xuất siêu toàn ngành ước đạt 7,857 tỷ USD.

Bổ sung thêm thông tin về tình hình xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và làm rõ hơn bức tranh của ngành gỗ trong tình hình hiện tại, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho hay, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 3.324 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 7,36 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp FDI đạt 3,48 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhưng về số lượng doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ có 669 doanh nghiệp, chiếm 20,1% tổng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy cần có sự kết nối mạnh mẽ giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để ngành gỗ phát triển bền vững.

Thị trường vẫn chứa đựng nhiều yếu tố thiếu bền vững

Cũng theo ông Đỗ Xuân Lập, diễn biến tình hình kinh tế và chính trị thế giới có nhiều thay đổi, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối diện với nhiều thách thức.

Đơn cử, với Hoa Kỳ - thị trường quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, chiếm trên 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành, trong những tháng đầu năm 2024 đã có nhiều thay đổi về chính sách.

Cụ thể, về phòng vệ thương mại, ngành gỗ trong thời gian vừa rồi đã trải qua 5 vụ kiện liên tục (Hàn Quốc, Canada, Hoa Kỳ) riêng thị trường Hoa Kỳ là 3 vụ, đến thời điểm này cơ bản đã có những kết luận cuối cùng. “Vụ 301 (Điều tra 301 về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp) để đảm bảo cho việc kinh doanh gỗ chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện những cam kết nghị quyết đã ký với Hoa Kỳ (trong vấn đề này tiến trình thực hiện còn đang bị chậm). Riêng vụ tủ gỗ và ván dán (ván plywood) các doanh nghiệp cần phải hoàn thành mẫu tờ khai tự nhập cho nhà thầu Hoa Kỳ”, ông Đỗ Xuân Lập cho hay.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền /chu-de/kinh-te-thi-truong.topic. Điều này có nghĩa các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Các vụ kiện có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi kinh tế Hoa Kỳ cũng như thế giới đang có những khủng hoảng, ngành sản xuất nước tại Hoa Kỳ gặp khó khăn và đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Hoa Kỳ cần sự ủng hộ của cử chi khi bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến.

Cuộc bầu cử của Hoa Kỳ sắp diễn ra, khiến nhiều quyết sách của Hoa kỳ có thể sẽ thay đổi. Theo một số thông tin, dự báo nếu ông Trump tái cử thành công, chính quyền của ông sẽ thiết lập mức thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu vào 60% với hàng hóa nhập khẩu từ riêng Trung Quốc nhằm xử lý vấn đề thặng dư thương mại, việc áp dụng mức thuế cơ sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: các quốc gia có FTA với Hoa Kỳ; các quốc gia có mức độ thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.

Với thị trường EU, Quy định chống phá rừng của EU (còn gọi là EUDR) khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gặp nhiều khó khăn khi tuân thủ.

Đức áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Luật này tác động gián tiếp tới nhà xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương trả cho lao động, cách thức xử lý chất thải nhà máy,…

Về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp cần chú ý, khi bị nghi ngờ về xuất xứ, hải quan sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh và khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA.

Trong bức tranh với các thị trường lớn nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam như trên, cộng với tình hình thế giới đang bất ổn ở nhiều khu vực và cước phí vận chuyển, logistics tăng cao không ổn định làm cho đà phục hồi của kinh tế thế giới chậm. Nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn đang xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng mới đã tác động không nhỏ đối với tình hình đơn hàng của ngành gỗ Việt Nam.

Ví dụ như thị trường Canada, kêu gọi các doanh nghiệp hướng về khối kinh tế Nam Mỹ và các nước đồng minh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đáng tin cậy, điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu mặt hàng nội thất. Canada cũng tăng cường nhập khẩu từ Philippines, Malaysia và Indonesia (dự kiến sẽ ký Hiệp định thương mại tự do với Canada vào cuối năm 2024).

Để hỗ trợ cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – kiến nghị Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan của Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC). Có cơ chế phối hợp để cập nhật các thông tin thay đổi về chính sách tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ và cung cấp các dự báo, cảnh báo và các thông tin liên quan tới phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh gỗ Việt sang các thị trường xuất khẩu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chính sách cụ thể với Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh không khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm của ngành gỗ mà nước đó đã bị nước thứ 3 áp thuế chống bán phá giá.

Chính phủ cam kết Net Zezo vào năm 2050, hiện một số doanh nghiệp ngành gỗ đã thực hiện chủ động kiểm kê khí nhà kính, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp để tuân thủ và có các biện pháp giảm thiểu phát thải. Đồng thời có các dự án thí điểm nhằm giúp doanh nghiệp chuyển đổi dần dần tự động hóa một số khâu trong hoạt động sản xuất đồ gỗ.

This browser does not support the video element.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường EU

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng