Doanh nghiệp da giày: Mong được tự chịu trách nhiệm trong phòng, chống dịch
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), da giày là ngành sử dụng nhiều lao động. Một doanh nghiệp có thể sử dụng từ vài nghìn đến hàng chục nghìn lao động nên rất khó đầu tư cũng như đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất để thực hiện "3 tại chỗ". Do vậy, đa phần doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, dẫn đến tình trạng bị phạt đơn hàng, không có doanh thu trong khi đó vẫn phải bù đắp chi phí cho người lao động trong khoảng thời gian ngừng chờ việc.
Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm chỉ là 1 trong những tổn thất của ngành da giày do dịch bệnh. Đáng lo nhất là đối tác chuyển đơn hàng sang các nước khác và không thể một sớm một chiều quay lại với Việt Nam. Chưa kể, chúng ta liệu có đủ sức hấp dẫn để kéo khách hàng quay trở lại. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng cho năm 2021, mà còn cả các năm về sau.
Doanh nghiệp da giày mong được trao quyền tự chủ để sớm phục hồi sản xuất |
Trong bức tranh xuất khẩu không mấy tích cực của ngành da giày, điểm sáng duy nhất là xuất khẩu sang các khối thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đang tăng trưởng tốt. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland tăng mạnh nhất với con số lần lượt 8,7%, 4,6%, 5,2%. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi tại các khu vực thị trường tiềm năng của da giày Việt Nam, cũng đồng thời phản ánh sự nhanh nhạy của doanh nghiệp trong nước khi tận dụng tốt các FTA.
"Khối thị trường có FTA với Việt Nam tiếp tục là thị trường xuất khẩu mục tiêu của doanh nghiệp da giày trong ngắn và dài hạn, đặc biệt sẽ thuận lợi về đầu ra cho việc mở cửa sản xuất trở lại trong những tháng cuối năm của ngành" - bà Phan Thị Thanh Xuân nói. Đại diện Lefaso cũng cho biết, mức độ tiêm vắc-xin cho người lao động của các doanh nghiệp da giày khu vực phía Nam khá tốt, đạt 80-100% mũi 1 và trên 14 ngày. Doanh nghiệp mong mỏi được mở cửa, đưa người lao động trở lại sản xuất an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, để thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, điều kiện và thủ tục cần thông thoáng, đặc biệt cần giao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cần trang bị kiến thức và cơ sở vật chất để ứng phó mọi tình huống xảy ra, có thể vừa phòng, chống dịch bệnh mà vẫn duy trì sản xuất. Đối với địa phương chỉ nên kiểm tra hậu kiểm và hỗ trợ doanh nghiệp chứ không nên áp dụng thủ tục hành chính rườm rà, vừa không đủ nguồn lực để hỗ trợ vừa gây chậm quá trình mở cửa sản xuất của doanh nghiệp.
"Chúng tôi kiến nghị nâng thời gian sản xuất lên 400 giờ/năm để đủ thời gian bù lại các đơn hàng đã mất của những tháng vừa qua. Đồng thời, giúp người lao động tăng thu nhập, hút đơn hàng quay trở lại Việt Nam" - bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp da giày mong muốn được phục hồi sản xuất sớm với các quy định không quá khắt khe, để chủ động, tự chịu trách nhiệm trong phòng, chống dịch. |