Điêu đứng vì đường cát nhập lậu
Đường cát nhập lậu gia tăng
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh phía Nam, đường cát nhập lậu chủ yếu qua đường biên giới Tây Nam, nhiều nhất là khu vực Tây Ninh, Long An, An Giang và Kiên Giang. Mùa này mưa nhiều, các sông rạnh đầy nước vì thế hoạt động buôn lậu đường cát gia tăng, nhất là vào ban đêm.
Đường cát nhập lậu bị bắt giữ tại Long An |
Ông Nguyễn Tấn Phước - Phó Giám đốc Công an kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang - cho biết, lực lượng chống buôn lậu thực hiện Kế hoạch liên ngành về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Do đó, giá cả các mặt hàng nhập lậu có sự chênh lệnh khá cao so với trong nội địa nên các đối tượng đầu nậu thường xuyên thay đổi phương thức, cấu kết, móc nối để vận chuyển hàng lậu. Hàng lậu chủ yếu là mặt hàng đường cát và thuốc lá ngoại.
Trên đường bộ ở An Giang, đường cát nhập lậu tập trung tuyến Tịnh Biên - Châu Đốc; Vĩnh Nguơn - Châu Đốc và Vĩnh Xương - Tân Châu. Phương tiện vận chuyển bằng xe gắn máy chạy tốc độ cao; cất giấu, trà trộn trên các phương tiện chở khách và hàng hóa. Tuyến đường thủy, các ghe tàu lợi dụng chở hàng hóa hợp pháp để cất giấu hàng lậu. Riêng địa bàn trọng điểm về buôn lậu đường gồm các Đồn cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương; Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình; Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn; Đồn cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên.
Chỉ riêng trong tháng 10/2020, lực lượng 389 tỉnh An Giang đã phát hiện 187 vụ hàng lậu, giảm 36,8% so tháng trước nhưng tăng đến 23% so với cùng kỳ. Tổng trị giá hàng hoá bắt giữ khoảng 4,86 tỷ đồng, giảm 55% so với tháng trước nhưng tăng 160% so với cùng kỳ. Trong đó, đường cát nhập lậu bắt giữ 102.750kg, tăng 2 lần so tháng trước và tăng 4,5 lần so với cùng kỳ. Trong 10 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng của tỉnh An Giang đã thu giữ 342.174kg.
Tại Long An, hai mặt hàng nhập lậu có số lương lớn là thuốc lá và đường cát. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng 389 Long An xử lý gần 1.100 vụ hàng lậu, đã thu giữ gần 1,8 triệu gói, thuốc lá và 38.000kg đường cát. Tại Tây Ninh, Cục QLTT tỉnh này vừa tổ chức tiêu hủy 13.820kg hàng hóa vi phạm, trong đó có 9.800kg đường cát nhập lậu từ Campuchia.
Ngành mía đường điêu đứng vì hàng nhập lậu
Theo Hiệp Hội mía đường Việt Nam, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng đường cát nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam đã đạt gần 1 triệu tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường cát sản xuất nguyên liệu mía nhập khẩu từ Thái Lan chiếm tỷ lệ cao nhất với 89,94% lượng đường đã nhập khẩu.
Cục QLTT tỉnh Tây Ninh tổ chức tiêu huỷ đường cát nhập lậu |
Đại diện một DN sản xuất đường cát ở Tây Ninh cho hay, đường cát nhập khẩu có giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước, trong khi đó đường cát nhập lậu, chủ yếu là đường Thái Lan với số lượng không nhỏ đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành mía đường trong nước ngày càng khó cạnh tranh và bị thu hẹp dần.
“Tình trạng đường cát nhập khẩu tràn lan và bán với giá thấp khiến nhiều nhà máy đường trong nước phải đóng cửa. Ngành này hiện đang bị thu hẹp hoạt động sản xuất kinhh doanh, khiến cho công nhân và người dân trồng mía cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng giám đốc Công ty Mía đường Sơn Dương bức xúc nêu.
Theo ông Minh, năm 2015, vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường Sơn Dương có diện tích khoảng 10.000ha và ký hợp đồng trực tiếp với 30.000 hộ nông dân trồng mía. Nhưng đến nay đã giảm còn khoảng 2.670ha trồng mía và chỉ còn 6.200 hộ nông dân tiếp tục trồng mía.
Ông Thái Văn Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP đường Tuy Hòa - chia sẻ, do giá đường thấp buộc DN phải mua giá mía thấp. Từ đó người dân bỏ mía trồng cây khác. Ngoài ra việc đường tồn kho lớn hiện nay dẫn tới DN tắt dòng tiền, vừa không có tiền trả cho mua mía vừa không có tiền xoay vòng vốn vá các vấn đề liên quan tiếp theo. Thiếu nguyên liệu, nhiều nhà máy sản xuất của công ty buộc phải đóng cửa và đây cũng là tình cảnh chung của không ít DN mía đường của Việt Nam.
Nhiều DN mía đường hiện đều có chung cảnh ngộ hoạt động sản xuất kinh doanh bị khê đọng, do đường nhập khẩu gia tăng và sức ép đường nhập lậu giá rẻ. Trước tình cảnh này, trong số 41 nhà máy đường thì có tới 12 nhà máy đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Ngoại trừ các DN hoạt động đa ngành, còn lại đa phần các DN đường đều đang “chết lâm sàng” và khó khăn vẫn tiếp diễn.
Ông Lê Bá Chiều - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Lam Sơn - thông tin, trong niên vụ vừa qua, công ty cũng gặp tình cảnh như các doanh nghiệp khác, vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường Lam Sơn đã giảm khoảng 1.000ha, dẫn đến nguyên liệu chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế và sự khó khăn vẫn chưa dừng lại.
Phó Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang - ông Nguyễn Tấn Phước - đánh gíá, do nhu cầu tiêu thụ không ngừng tăng cùng với lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu khá lớn, dự báo sắp tới tình hình buôn lậu qua biên giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, trong đó có mặt hàng đường cát.
Từ thực tế này, các lực lượng chức năng ở biên giới Tây Nam đang được chỉ đạo tăng cường công tác kiểm ra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, tập trung siết chặt các điểm nóng về hàng lậu, nhất là mặt hàng đường cát từ ngay khu vực biên giới để phòng chống hàng lậu hiệu quả.