Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022: Tìm giải pháp thúc đẩy thương mại hai bên
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - cho biết: Từ nhiều năm nay, Mỹ Latinh được biết đến là khu vực thị trường tiềm năng của Việt Nam. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng.
“Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần gấp đôi từ mức 11,6 tỷ USD của năm 2016 lên mức 21,4 tỷ USD năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,5 tỷ USD, tăng 46,4% so với năm 2020, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,9 tỷ USD, tăng 20,2%. Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực là Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc diễn đàn |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bước sang năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung cũng như của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh nói riêng trải qua nhiều biến động, giao thương và chuỗi cung ứng rơi vào khó khăn, thậm chí đứt gãy dưới tác động của đại dịch cùng các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 18,7 tỷ USD, tăng 10,5%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,3%, nhập khẩu từ Mỹ Latinh vào Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, tăng 17,3%.
“Xét về trao đổi thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường đạt tăng trưởng cao nhất. Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Bên cạnh đó, về đầu tư, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD, nổi bật trong đó là các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng…Ở chiều ngược lại, hiện có 21 quốc gia đầu tư tại Việt Nam với 114 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 671 triệu USD.
Các đại biểu, doanh nghiệp tham dự diễn đàn |
Đặc biệt, Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh cũng đang triển khai hiệu quả các Hiệp định, thỏa thuận để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, trong đó, phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mexico, Chile, Peru là thành viên; Hiệp định Thương mại tự do với Chile (VCFTA) hay Hiệp định Thương mại với Cuba. Việt Nam cũng đang tiếp tục trao đổi khả năng đàm phán một Hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur). Các hiệp định nói trên đã và đang mang lại những tác động tích cực, tạo động lực cho quan hệ thương mại - đầu tư song phương không ngừng phát triển.
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn |
Đối với từng địa phương, theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại giữa TP. Hồ Chí Minh và khu vực Mỹ Latinh đạt 1,25 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của thành phố vào các thị trường Mỹ Latinh đạt 700 triệu USD. Một số thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu của thành phố với khu vực Mỹ Latinh gồm: Mexico, Brazil, Argentina và Chile.
Tuy vậy, ông Hoan cho rằng, dù đã có nhiều tăng trưởng tích cực nhưng quan hệ kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Mỹ Latinh vẫn chưa xứng tầm với mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của chúng ta và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, cùng với những điều kiện thuận lợi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh từ lâu vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như: khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hoá và hành khách trực tiếp, chi phí logistics luôn ở mức cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường… Đặc biệt, bối cảnh tình hình quốc tế dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các bất ổn địa chính trị khu vực và toàn cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái kinh tế, lạm phát cao, vấn đề an ninh năng lượng và lương thực ngày càng cấp thiết. Đây là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực cao của Chính phủ Việt Nam và các nước, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Latinh, để tìm ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động hợp tác thương mại - đầu tư.
Trong nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên khai thác tối đa các cơ hội thị trường, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới với ưu thế từ các Hiệp định thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn này, với sự tham gia của các Đại diện ngoại giao, các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ Latinh và các chuyên gia trong nước và quốc tế để cùng nhau trao đổi, đưa ra những định hướng hợp tác mới và khuyến nghị giải pháp đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, cùng hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
"Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác Mỹ Latinh, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình kinh doanh và đầu tư, mở rộng thị trường"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2022 được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận cập nhật tình hình thị trường Mỹ Latinh trong bối cảnh hiện nay cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực nói chung và từng thị trường nói riêng, đặc biệt là các thị trường mới nổi, cung cấp thông tin về các kênh phân phối hàng hóa tại khu vực Mỹ Latinh, chia sẻ nhiều bài học và kinh nghiệm thực tiễn trong giao dịch thương mại với các đối tác Mỹ Latinh và khuyến nghị nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các giải pháp vận tải - logistics để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu sang khu vực này. Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia hoạt động kết nối trực tiếp với gần 30 doanh nghiệp Mỹ Latinh trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, dệt may, y tế... để tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có cơ hội trưng bày quảng bá các sản phẩm có nhu cầu kết nối tại Diễn đàn, thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp Mỹ Latinh và người tham dự. Trước đó, vào ngày 24/11, đoàn đại biểu đại diện các Đại sứ quán và doanh nghiệp các nước Mỹ Latinh đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Bình Dương. Bên lề Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Haiti, Azad Pierre Belfort và Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương miền Tây Mexico kiêm Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại bang Jalisco, Mexico nhằm trao đổi về các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương. |