Diễn đàn nhịp cầu phát triển: Định hình dòng vốn mới
Diễn đàn trở thành “kênh” trao đổi uy tín
Diễn đàn do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) phối hợp tổ chức.
Sáng kiến Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum đã được Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times khởi xướng từ năm 2021 trên cơ sở thành công của 20 năm kiến tạo và phát triển Chương trình Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) - Kết nối và hội tụ các doanh nghiệp FDI tiêu biểu tại Việt Nam.
Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược. Ảnh: Thanh Tuấn |
Diễn đàn thường niên Vietnam Connect tập trung vào 3 nhóm chủ thể chính, gồm: khu vực doanh nghiệp FDI, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam. Việc tổ chức diễn đàn nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp của khu vực kinh tế FDI; thúc đẩy các địa phương của Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho hay, Diễn đàn kỳ vọng sẽ đạt nhiều thông tin giá trị thông qua chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp.
Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng với đất nước. 2025 cũng là năm thực hiện tổng kết, đánh giá 40 năm thực hiện đổi mới - năm bản lề để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
40 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nằm trong 15 nước dẫn đầu về thu hút FDI với gần 400 dự án. Năm 2024, Việt Nam thu hút 38 tỷ USD vốn FDI.
Hết quý I/2025, cả nước thu hút gần 11 tỷ USD, ghi nhận tăng trưởng 34,7%. Đây là tín hiệu tích cực của môi trường đầu tư toàn cầu có nhiều thách thức.
"Tính lũy kế đến ngày 31/3/2025, cả nước có 42.760 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 510,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 327,5 tỷ USD, bằng gần 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực", bà Minh thông tin.
Qua 4 lần tổ chức, diễn đàn luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và đã trở thành kênh thông tin uy tín, kết nối, hội tụ sự tham gia đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp FDI tiêu biểu tại Việt Nam cùng sự tham dự của các chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế; lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương. Tiếp nối thành công này, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 (lần thứ 5) - Vietnam Connect Forum 2025 với chủ đề “Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới” được tổ chức tại Thành phố Hà Nội.
Bàn thảo nhiều vấn đề “nóng”
Thông tin từ Ban Tổ chức cũng cho thấy, thành tựu thu hút FDI trong gần 4 thập kỷ qua đã minh chứng rõ nét về vai trò quan trọng của khu vực kinh tế FDI đối với tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và phát triển thịnh vượng của Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, dòng vốn FDI được xem là một trong những động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng cao.
Toàn cảnh Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn |
Giai đoạn 2026 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút mỗi năm khoảng 40 - 50 tỷ USD vốn FDI, trong đó vốn FDI giải ngân đạt từ 30 - 40 tỷ USD/năm.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương - cũng nhấn mạnh, trong 40 năm đổi mới, khu vực FDI đã giúp Việt Nam đổi mới nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam luôn có quan điểm thống nhất về khu vực FDI khi xác định đây là bộ phận quan trọng. Đặc biệt, thay vì số lượng, chính sách về FDI tập trung thu hút FDI chất lượng với hàm lượng công nghệ và giá trị cao, chống chuyển giá, chống “tráng men” sản phẩm.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu trở nên khó đoán định, Việt Nam có thể chủ động tái cấu trúc cách tiếp cận dòng vốn FDI - từ mục tiêu số lượng sang chất lượng, từ thâm dụng lao động sang hàm lượng công nghệ để trở thành trung tâm sản xuất và trung chuyển mới tại khu vực Đông Nam Á.
Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chính như cục diện thế giới mới, những thay đổi về chuỗi cung ứng và xu hướng chuyển dịch dòng vốn FDI: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; chủ trương, định hướng và chính sách của Việt Nam về chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới…
Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay, ông Trần Lưu Quang - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương có buổi gặp gỡ, trao đổi và làm việc với Đoàn lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI tiêu biểu tại Việt Nam, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Nội dung buổi làm việc sẽ trao đổi về thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (thuận lợi, khó khăn, vướng mắc); nhận định, đánh giá tác động của bối cảnh thế giới mới đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp; chiến lược trong thời gian tới của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và thúc đẩy thu hút dự án FDI mới.
Tại diễn đàn, phiên toàn thể được cấu trúc thành phiên tham luận và thảo luận. Phiên tham luận có sự tham gia và chia sẻ của lãnh đạo Bộ Tài chính với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI trong bối cảnh mới: Giải pháp chiến lược trong thời gian tới”.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường với chủ đề "Thu hút FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và những định hướng trong giai đoạn mới" và đại diện doanh nghiệp với chủ đề “FDI chiến lược cho kỷ nguyên mới của Việt Nam: Từ nơi đón vốn đầu tư đến hệ sinh thái chiến lược”.
Phiên thảo luận tập trung vào chủ đề “Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới: Gắn kết khu vực kinh tế FDI và kinh tế trong nước, tạo bứt phá tăng trưởng cao và phát triển bền vững” với sự tham gia và chia sẻ của đại diện các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp FDI.
Sau 4 lần tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum trở thành “kênh” bàn thảo, trao đổi nhiều vấn đề “nóng”. Từ đó, góp tiếng nói với các cơ quan hoạch định chính sách xây dựng nên những cơ chế phù hợp, hiệu quả. |