Đảo Phan Vinh, huyện Trường Sa cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật đảo Trường Sa giúp ngư dân Bình Định sửa chữa tàu cá |
Gặp người 15 năm gắn bó với "xưởng cơ khí 0 đồng"
Chúng tôi gặp ông Dưỡng Đình Vinh - cán bộ Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A (đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong chuyến thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào đầu tháng 6/2023.
Ông Vinh có hơn 15 năm công tác tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A, cũng là hơn 15 năm gắn bó với "xưởng cơ khí 0 đồng", với việc giúp ngư dân sửa chữa tàu, bè mỗi khi hỏng hóc.
Ông Vinh cho biết, xưởng cơ khí đảo Đá Tây A có diện tích khoảng 150m2, được trang bị các loại máy móc như máy tiện, máy nổ, máy khoan, máy hàn… “Xưởng có 2 người thay phiên nhau hoạt động, công việc chính là giúp ngư dân sửa chữa tàu thuyền khi gặp sự cố, hạn chế chi phí sửa chữa”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Dương Đình Vinh giới thiệu về con tàu 04 đang chở vật tư để sửa chữa |
Theo ông Vinh, mỗi khi tàu, thuyền ngư dân hư hỏng, hoặc lấy nước, đồ ăn sẽ vào đảo Đá Tây A và nhân viên trung tâm sẽ phục vụ để chuyến ra khơi của ngư dân bảo đảm an toàn, đánh bắt được nhiều sản lượng.
Chia sẻ về những khó khăn ngư dân thường gặp phải, ông Vinh cho biết, quá trình khai thác thủy sản, các tàu thường hỏng bánh lái, trục láp, các dụng cụ như tời, neo, cột neo…
“Các bệnh chúng tôi thường sửa cho ngư dân nhất là bánh lái, trục láp. Có khi trục láp bị cong, ngư dân tháo ra đưa vào đây thì chúng tôi chế ra bộ dụng cụ, rồi đưa kích vào kích, nắn lại. Dù không hoàn chỉnh được 100%, song cũng đạt khoảng 90%, có thể giúp bảo đảm an toàn để bà con đi về đất liền sửa chữa thay vì phải nhờ tàu bạn lai dắt vô cùng tốn kém”, ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh, khi đưa tàu vào sửa chữa, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đều miễn phí về nhân công. Trường hợp hỏng nặng, sẽ cố gắng khắc phục, bảo đảm an toàn để ngư dân đưa vào đất liền sửa chữa.
Dẫn chúng tôi ra ngoài cách khu xưởng khoảng 200m để tham quan triền đà, ông Dương Đình Vinh giới thiệu về công năng, thông số kỹ thuật của triền đà và con tàu 04 đang nằm chờ các vật tư để sửa chữa.
“Tàu 04 này dùng để dự trữ dầu bơm cho ngư dân, đã phục vụ ở đây hơn chục năm. Hiện trạng tàu bị bục mạn, chúng tôi đang chờ vật tư để sửa chữa, hạ thủy tiếp tục phục vụ cung cấp dầu cho ngư dân”, ông Vinh chia sẻ.
Đại úy Đoàn Văn Phong - Trạm trưởng Trạm Biên phòng đảo Đá Tây A (Đồn Biên phòng Trường Sa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) cho biết, quá trình tàu bè gặp nạn, hư hỏng sẽ báo cho bên trung tâm, trung tâm sẽ cùng Biên phòng kiểm tra phương tiện, hướng dẫn sửa chữa. Sau khi đội sửa chữa bên trung tâm đánh giá xong, tùy theo tình trạng hỏng hóc của phương tiện, sẽ tiến hành sửa chữa hoặc khắc phục để phương tiện cố gắng về bờ.
Theo Đại úy Đoàn Văn Phong, trong quý I/2023, đã có hơn 30 lượt phương tiện vào trung tâm sửa chữa, có trường hợp hỏng hóc đơn giản, có trường hợp phức tạp. Tất cả các trường hợp đều được sửa chữa, bảo đảm an toàn để ngư dân yên tâm bám biển.
Điểm tựa giúp ngư dân yên tâm bám biển
Tại đảo Trường Sa lớn, Trung tâm Dịch vụ hậu cần – Kỹ thuật đảo Trường Sa thuộc Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân, Thiếu tá Trần Cộng Hòa, quyền Chỉ huy trưởng Trung tâm cho biết, ngoài nhiệm vụ đón, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vào Bệnh xá đảo cấp cứu, trung tâm còn giúp sửa chữa, cung cấp các dịch vụ như dầu, nhiên liệu theo giá đất liền; cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân. Ngoài ra, còn một số nhu yếu phẩm có thể hỗ trợ bà con bằng nguồn tự cấp như rau xanh, lương thực, thực phẩm.
Âu tàu trên đảo Trường Sa lớn |
Trung tâm Dịch vụ hậu cần – Kỹ thuật đảo Trường Sa được xây dựng cơ bản, hiện đại, có các xưởng, trạm, bể chứa nhiên liệu, nước ngọt, đặc biệt là các dãy nhà ở làng chài để hỗ trợ bà con ngư dân vào tránh bão; đội ngũ sửa chữa có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu sửa chữa của ngư dân.
Tương tự đảo Đá Tây A, Trung tâm Dịch vụ hậu cần – Kỹ thuật đảo Trường Sa cũng hỗ trợ toàn bộ nhân công khi sửa chữa, các vật tư thông thường. “Đối với nhân công và các vật tư thông thường, đơn vị chúng tôi sẽ hoàn toàn miễn phí. Riêng những vật tư đặc chủng, theo chủng loại quy định, chúng tôi sẽ đưa ra giá, thỏa thuận với bà con, bà con đồng ý chúng tôi mới thay thế, hoặc sẽ đưa ra phương án tốt nhất để khắc phục tạm thời, để bà con không phải sử dụng cứu hộ hay tàu, ghe bạn đến cứu kéo đưa về đất liền, để bà con tối giản chi phí”, Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho biết.
Theo Thiếu tá Trần Cộng Hòa, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã đón hơn 1.000 lượt tàu cá, chủ yếu là phía Nam vào trú bão và sử dụng các dịch vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận và sửa chữa thành công gần 30 tàu cá của các ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi…