Cùng hành trình đi tới mục tiêu Net Zero 2050 của Việt Nam Thúc đẩy tài chính xanh sẽ là "con đường" cho mục tiêu Net Zero Ngành Công Thương chủ động thực hiện cam kết Net Zero |
Chương trình hành động cấp quốc gia cho mục tiêu Net Zero
Tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo của hơn 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Hội nghị COP26, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã mở ra một luật chơi mới, nơi các doanh nghiệp không chỉ là những người thực hiện mà còn là những người dẫn đầu trong cuộc chuyển đổi kinh tế. Chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch hành động để thúc đẩy phát triển bền vững, từ đó tạo ra cơ hội và động lực cho các doanh nghiệp.
Để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0, các chuyên gia đề xuất cần phát triển điện gió ngoài khơi ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, chương trình hành động về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó chú trọng đến đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia theo hướng giảm mạnh điện than, thay thế bằng năng lượng tái tạo; Tuyên bố về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng…
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, Bộ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và ban hành Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30. Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ. Đặc biệt là hướng tới công, nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kinh, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
"Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero sẽ là nền tảng, là cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thông tin.
Cũng theo Bộ trưởng, vùng Đông Nam Bộ là khu vực có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nên việc vùng này đạt được Net Zero đóng vai trò quan trọng cho cam kết Chính phủ tại COP26.
Doanh nghiệp chủ động trong hành trình Net Zero
Trên con đường phát triển kinh tế xanh, Net Zero không chỉ là một mục tiêu mà còn là sứ mạng của các doanh nghiệp. Với sự lên ngôi của kinh doanh xanh, việc phát triển kinh tế carbon thấp là một chiến lược mà cũng là lợi thế cạnh tranh đối với môi trường và bền vững. Đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Bộ, việc tham gia tiến trình Net Zero được nhận định sẽ ẩn chứa nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là khi nắm bắt được xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam.
Heineken Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng 0 vào năm 2030 trong sản xuất. Ảnh: Heineken Vũng Tàu |
Ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc phát triển bền vững – Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam chia sẻ, cùng Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, Heineken Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng 0 vào năm 2030 trong sản xuất và giảm 33% phát thải trong chuỗi giá trị với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước.
“Chúng tôi tiên phong sử dụng 96% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 6 nhà máy bia trên toàn quốc. Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, Heineken Việt Nam đã mua các Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại 6 nhà máy. Toàn bộ 6 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu”, đại diện Heineken Việt Nam cho biết.
Việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững đã giúp Heineken Việt Nam 8 năm liền nằm trong top 3 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam.
Cũng theo vị đại diện này, tham vọng của Heineken Việt Nam không chỉ trong sản xuất mà còn trong chuỗi giá trị. Bởi hoạt động phát triển bền vững không thể tạo ra tác động mạnh mẽ khi thực hiện một mình. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp cần sự chung tay và đồng hành của các bên.
PV GAS có nhiều thuận lợi trong công cuộc chuyển dịch năng lượng. Ảnh: Petro times |
Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV GAS) cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2050, các nhà máy sử dụng LNG chuyển dần sang sử dụng hydrogen, tổng công suất 25.400 MW, sản xuất 129,6-136,7 tỷ kWh; ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydrogen, amoniac xanh,…),…
Cũng theo ông Dũng, PV GAS có nhiều thuận lợi trong công cuộc chuyển dịch năng lượng khi sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng khí lớn nhất Việt Nam. Hệ thống đường ống vận chuyển khí (1.000 km) và phân phối đến khách hàng công nghiệp, các kho chứa LPG và LNG chính là tiềm năng lớn để PV GAS xem xét, tận dụng phục vụ phát triển công nghiệp tái tạo trong tương lai.
Ngoài ra, PV GAS là nhà cung cấp nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất gần 8% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và chiếm lĩnh gần 70% thị phần LPG toàn quốc.
“PV GAS sẽ là đối tác quan trọng trong xu thế chuyển dịch năng lượng của các khách hàng (điện, đạm, công nghiệp và dân dụng). Ngoài ra, trong tương lai, với yêu cầu cắt giảm CO2 về Net Zero, các đơn vị đang sử dụng hydro xám như BSR, NSRP, PVCFC, PVFCCo có thể là khách hàng tiềm năng cho việc sản xuất hydro lam (chôn lấp/xử lý CO2) và hydro xanh”, ông Dũng nói.
Để đáp ứng xu thế chuyển dịch năng lượng, hướng đến Net Zero vào năm 2050, PV GAS hiện đang thực hiện nhiều giải pháp trong đó có công tác nghiên cứu khoa học. Cụ thể, xây dựng chiến lược về chuyển dịch năng lượng và định hướng các sản phẩm mới của PV GAS phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng; xây dựng quy trình phối trộn Green H2 vào đường ống vận chuyển khí tự nhiên; thử nghiệm quy mô nhỏ sản xuất, vận chuyển và phân phối Green Hydrogen.
Ngoài ra, nghiên cứu dự án sản xuất Blue/Green Methanol từ nguồn cá voi xanh tại miền Trung; dự án sản xuất Green H2 và các sản phẩm xanh tại khu vực Tây Nam Bộ; thu hồi CO2 trong các nguồn khí tự nhiên giàu CO2 làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án sản xuất xanh (CCUS/CCS); dự án thử nghiệm quy mô nhỏ sản xuất dầu sinh học từ tảo quy mô nhỏ; dự án thử nghiệm quy mô nhỏ sản xuất xăng/dầu từ rác thải nhựa; phương án sản xuất hydro xanh ngọc từ khí tự nhiên.
Cần nghiên cứu toàn diện trên nhiều lĩnh vực
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam nhận định, khu vực Đông Nam Bộ có tiềm năng lớn để thực hiện các chương trình Net Zero do tính chất kinh tế năng động và cơ sở hạ tầng hiện đại. Là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, khu vực này có thể áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch; phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông vận tải hiện đại và đô thị thông minh…
“Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho các dự án Net Zero thường lớn nên doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và đối tác quốc tế. Chính phủ có thể hỗ trợ thông qua việc ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh, xây dựng lộ trình pháp lý rõ ràng để thúc đẩy các giải pháp phát thải thấp. Hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ và huy động nguồn lực tài chính”, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ kiến nghị.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ đề xuất các giải pháp trên thực tế như: lắp điện mặt trời kết hợp pin lưu trữ năng lượng cho các khu dân cư, khu công nghiệp. Đặc biệt tại Bà Rịa - Vũng Tàu cần phát triển điện gió ngoài khơi.
Còn tại Đồng Nai, Bình Dương phát triển công nghệ sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong khi đó tại Bình Phước và Tây Ninh phát triển và nhân rộng các dự án trồng rừng để tăng hấp thụ CO2.
Giao thông xanh là một trong những giải pháp tối ưu nhằm cải thiện chất lượng không khí. Ảnh minh họa |
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Trần Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho hay, để theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, đến năm 2040, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.
“Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn cho các dự án xanh. Cung cấp ưu đãi thuế, trợ giá, và các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, xây dựng cơ chế thị trường carbon trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp giảm phát thải”, PGS.TS Phạm Trần Vũ nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Phạm Trần Vũ, để hiện thực hóa thành công chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, khu vực Đông Nam Bộ cần triển khai đồng bộ các giải pháp ở các lĩnh vực có liên quan.
Cụ thể, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo cần thúc đẩy năng lượng gió và mặt trời, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than và đẩy mạnh điện khí. Về giao thông, chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh, xây dựng hệ thống giao thông công cộng bền vững, cải thiện logistics. Trong công nghiệp, cần tiết kiệm năng lượng, khử carbon trong sản xuất và phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Phát triển nông nghiệp bền vững, trồng và bảo vệ rừng, xử lý chất thải nông nghiệp. Khuyến khích xây dựng công trình đạt tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, quy hoạch đô thị xanh, thông minh.
Đồng thời, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến để giảm phát thải, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sạch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Phát triển xanh là xu thế tất yếu Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, hậu quả ngày càng lớn. Từ đó đặt ra vấn đề, chống biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, không thể thực hiện bởi một quốc gia thực hiện mà cần tiếp cận toàn cầu và toàn dân. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về kiểm kê khí nhà kính gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng “Thành phố không Carbon”, “Kinh tế tuần hoàn” và khả năng phát triển dự án áp dụng Cơ chế tín chỉ chung; triển khai “Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu/khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đồng thời, tỉnh đang triển khai đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; qua đó, định hướng đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực. |