"Địa chỉ đỏ" trong hành trình về nguồn
Khu căn cứ Tà Thiết được xây từ năm 1973, có diện tích 16 km2 bao gồm: Nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Lê Đức Anh và là căn cứ của Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhà và các hạng mục của căn cứ như: Bếp Hoàng Cầm, hầm giao ban, nhà chính ủy, hội trường… đều được xây dựng theo lối nửa chìm nửa nổi, cột, kèo làm bằng cây rừng, mái lợp lá trung quân, nép mình dưới những tán cây lớn và những bụi le đan cài chằng chịt nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng, thuận tiện, an toàn trong sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo.
Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở tỉnh Tây Ninh |
Tại đây, đã diễn ra các sự kiện trọng đại, nơi đón tiếp các phái đoàn cao cấp của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Trung ương cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang, triển khai các phương án tác chiến, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ quá trình hình thành và phát triển các căn cứ của Bộ Chỉ huy Miền trong cuộc chiến tranh chống Mỹ là một trong những đóng góp thiết thực vào kho tàng tri thức quân sự của ông cha ta và quân đội ta trong quá trình giữ nước.
Cũng như Bình Phước, tại Tây Ninh, một di tích lịch sử không thể quên, đó là Căn cứ Trung ương Cục. Trong kháng chiến chống Mỹ, Căn cứ Trung ương Cục được đặt tại Khu căn cứ Bắc Tây Ninh, bao quát cả một vùng rộng lớn, phía Nam giáp Căn cứ Dương Minh Châu, Đông giáp chiến khu A, Bắc giáp biên giới Campuchia...
Do điều kiện chiến trường B2 ở xa Trung ương, nên đối với Nam bộ, trong kháng chiến chống Pháp. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có chủ trương thành lập Trung ương Cục. Trước năm 1960 là Xứ ủy Nam bộ, sau đồng khởi, cách mạng miền Nam chuyển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng; do đó cần phải có cơ quan lãnh đạo phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới.
Ngược về Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) từng là căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Đây là nơi gắn với nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại của dân tộc mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và là một trong những căn cứ địa cách mạng quan trọng ở khu vực Ðông Nam bộ, khu vực tam giác có địa thế thuận lợi và hiểm trở như giữa rừng rậm, gần sông Ðồng Nai, quốc lộ 1A, quốc lộ 20, nối liền với Chiến khu Ð nhằm giúp các lực lượng cách mạng có thế tiến công và phòng thủ.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 là nơi tập trung, triển khai nhiệm vụ của các đơn vị chủ lực. Ðến năm 1971, Trung ương Cục miền Nam quyết định nhập Biên Hòa U1 vào Phân khu 5 thành Phân khu Thủ Biên. Phân khu Thủ Biên xác định nhiệm vụ hàng đầu vẫn là đánh hậu cứ sân bay quân sự Biên Hòa và Tổng kho liên hợp Long Bình. Năm 1972, sau khi tách Phân khu Thủ Biên, tỉnh Biên Hòa được thành lập. Tỉnh ủy Biên Hòa vẫn trụ tại căn cứ này để kết hợp 3 mũi chính trị, binh vận, vũ trang đánh phá ấp chiến lược ở Bàu Hàm, Thiện Tân, Tân Ðịnh, Hưng Lộc, Hưng Nghĩa… ngăn chặn ý đồ bình định cấp tốc của địch.
Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Phan Văn Trang, trong suốt 10 năm hoạt động (1965 - 1975), bộ đội đứng chân ở căn cứ U1 bị bom pháo ác liệt nhưng mọi người vẫn vững vàng, kiên cường bám địa bàn để đánh địch. Mặc dù xa Trung ương Cục nhưng với sự đồng lòng, gắn bó và đoàn kết chặt chẽ trong khó khăn, quân và dân ta đánh thắng hàng trăm trận lớn nhỏ, góp phần cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Mùa xuân 1975 lịch sử. Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 được xem là một trong những biểu tượng của truyền thống đấu tranh bất khuất của Ðảng bộ và quân dân Biên Hòa - Ðồng Nai không chỉ trong kháng chiến, mà trong cả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.