Đề xuất thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6, ngày 10/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng
Báo cáo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ là cần thiết vì hai lý do.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ |
Một là, TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Đồng thời, với vị trí là giao điểm của hai trục kinh tế - đô thị năng động nhất của vùng ĐBSCL là trục hành lang TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ và trục sông Hậu (An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng), TP. Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ rõ, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị chỉ ra rằng, mặc dù thành phố đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển; kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL nhưng phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.
"Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; phát triển ngành dịch vụ chưa tạo ra được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các khu liên kết sản xuất của vùng" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn bất cập, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
TP. Cần Thơ chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng. Tại Nghị quyết số 59, Bộ Chính trị đã chỉ ra “cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư”, chưa tạo ra nguồn lực lớn để tạo sự phát triển đột phá.
Hai là, Nghị quyết số 59 đã đề ra mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…”.
Đề xuất nhiều chính sách đặc thù
Theo nội dung dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất TP. Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (sau khi thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định.
Đáng chú ý, về chính sách phí, lệ phí, HĐND thành phố được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố: Phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định cho phép HĐND TP. Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản này do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn TP. Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND TP. Cần Thơ thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Dự thảo Nghị quyết còn nêu, khu liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt và được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi.
Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59 về phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng, mang bản sắc sông nước ĐBSCL.
"Cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình đã bảo đảm tính tương đồng với các thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù; phù hợp với Nghị quyết 59; song chưa có bước đột phá; một số chính sách mới đề xuất còn có điểm chưa rõ căn cứ, chưa cụ thể, cần sớm hoàn thiện để bảo đảm tính thuyết phục khi trình Quốc hội thông qua" - ông Nguyễn Phú Cường nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chia sẻ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, thống nhất hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường, đề nghị Quốc hội cho phép TP. Cần Thơ được phép thí điểm áp dụng môt số cơ chế, chính sách đặc thù.