Doanh nghiệp chế biến sâu cần có mức hỗ trợ cao hơn |
Với lợi thế có nguồn nguyên liệu lâm sản, khoáng sản phong phú, Thanh Hóa đã xây dựng và được phê duyệt Đề án khuyến công quốc gia điểm "Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phát triển sản xuất chế biến lâm sản giai đoạn 2018-2020".
Sau 1 năm triển khai, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng tỉnh đã hỗ trợ 4 doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất gỗ ván ép; 1 doanh nghiệp sản xuất gỗ ván thanh và 1 doanh nghiệp chế tác gỗ mỹ nghệ. Trung tâm cũng tổ chức hội thảo nâng cao năng suất chất lượng, phát triển chế biến lâm sản cho 150 đại biểu là đại diện các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thọ Xuân.
Những hoạt động trên đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp các cơ sở mạnh dạn đổi mới máy móc, thiết bị, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu và tiết kiệm năng lượng. Đáng lưu ý, sản phẩm của một số doanh nghiệp, như: Công ty TNHH Triệu Thái Sơn, Công ty Cổ phần (CP) Công nghiệp gỗ Trường Sơn đã xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, Đài Loan, Thái Lan… Hội thảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng giúp các doanh nghiệp rút kinh nghiệm trong tổ chức và vận hành sản xuất. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp lớn và nhỏ trong chế biến lâm sản, bước đầu hình thành được chuỗi sản xuất dưới hình thức hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm, sản xuất những sản phẩm chuyên biệt.
Theo ông Lê Trọng Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh những chuyển biến đáng kể trong chế biến lâm sản, hoạt động khai thác khoáng sản của tỉnh cũng đã có tiến bộ lớn, hiện 65% mỏ đá đã được các doanh nghiệp đầu tư máy cắt và chuyển đá khối từ đỉnh núi xuống. Thậm chí, có doanh nghiệp đầu tư tới 300 tỷ đồng cho máy móc, thiết bị này nhằm cắt và chế biến tảng đá lớn cho xuất khẩu. Hiện, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu máy sản xuất cát nhân tạo từ đá, giúp giảm khai thác cát tự nhiên, giảm xói mòn, là nội dung được khuyến công Thanh Hóa ưu tiên hỗ trợ trong những năm tiếp theo.
Mặc dù khuyến khích các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, tuy nhiên, khuyến công Thanh Hóa kiên quyết không hỗ trợ cơ cở chế biến thô mà chỉ ưu tiên cho những doanh nghiệp có đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu. Dưới sự hỗ trợ từ hoạt động khuyến công, các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi nhất định. Tuy nhiên, ông Lê Trọng Hân vẫn băn khoăn, phần lớn các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ quá thấp. So với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp, kinh phí khuyến công chỉ hỗ trợ 100 - 200 triệu đồng. Điều này khiến tính kích thích của đề án cũng như sự chia sẻ với doanh nghiệp không cao.
Trước những bất cập trên, ông Lê Trọng Hân đề xuất: Hoạt động khuyến công nên có mức hỗ trợ cao hơn vào những doanh nghiệp chế biến sâu, có xuất khẩu để kích thích đầu tư trang thiết bị cao cấp hơn, mở rộng sản xuất, vươn ra thị trường thế giới. Hơn nữa, theo quy định, chương trình khuyến công hiện hỗ trợ trước đầu tư đã nảy sinh nhiều bất cập, do vậy, đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu hỗ trợ sau đầu tư cho doanh nghiệp.
Năm 2019, khuyến công Thanh Hóa tiếp tục triển khai Đề án khuyến công điểm trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. |