Đề xuất dừng bán sim tại các đại lý nếu vi phạm
Sim rác vẫn được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Lương Hạnh |
Vẫn tràn lan sim rác
15 phút sau khi đăng tải bài viết có nhu cầu mua sim chính chủ lên nhóm “Sim số đại lý kênh buôn” trên Facebook, bài viết của anh T.K.C lập tức nhận về hàng chục bình luận.
Theo đó, nhiều tài khoản cho biết, đang có sẵn rất nhiều sim chính chủ của tất cả các nhà mạng. Khách hàng khi mua sim về có thể lập tức sử dụng ngay, không cần thực hiện các bước đăng ký thông tin bởi sim đã được kích hoạt sẵn.
Các sim được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng - tuỳ từng nhà mạng và độ đẹp của sim.
Không chỉ sim chính chủ, rất nhiều sim rác cũng được rao bán tràn lan trên các hội nhóm. Người dân có thể mua hàng trăm sim mà không phải đăng ký giấy tờ gì.
“Em bán sim rác đủ các nhà mạng, luôn có sẵn số lượng lớn. Tất cả các sim của em đều đã kích hoạt, sim Viettel 60.000 đồng, sim VinaPhone 36.000 đồng, sim MobiFone 45.000 đồng và iTel giá 18.000 đồng” - một người bán sim trên TikTok chào mời khách hàng.
Anh Trần Quốc Anh (ở Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hằng ngày vẫn nhận được nhiều tin nhắn có nội dung liên quan đến tín dụng đen, cờ bạc, cá độ online...
“Không biết đến khi nào tình trạng này mới được xử lý dứt điểm” - anh Quốc Anh bức xúc nói.
Tương tự, chị Vũ Thu Thủy (ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng khó chịu vì phải trả lời các cuộc gọi quảng cáo trong thời gian làm việc. Khi yêu cầu các đối tượng này không được phép liên lạc, chị Thuỷ thậm chí bị dọa nạt, nói sẽ tiếp tục làm phiền, không để yên.
Người dùng vẫn bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn rác. Ảnh: Khánh An |
Siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm
Trước thực trạng này, ông Trần Duy Hải - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, - cho biết: Trong thời gian tới, nếu các đại lý vẫn có tình trạng kích hoạt sẵn và bán tràn lan thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất chặn để không cho bán trên các kênh phân phối đó nữa. Một giải pháp khác là không cho khuyến mại tràn lan, gây ra tình trạng các cuộc gọi miễn phí, giá rẻ, tạo ra các cuộc gọi rác đến khách hàng.
Trước đó, vào giữa tháng 3.2023, các nhà mạng đồng loạt triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao. Ngày 1.4, khoảng 1,5 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin và bị khóa một chiều. Ngày 15.4, khoảng 1,15 triệu thuê bao bị khóa 2 chiều. Đến ngày 15.5, các doanh nghiệp đã thu hồi về kho số hơn 985.000 sim.
Sau khi cơ quan chức năng mạnh tay diệt sim rác, một số đối tượng lợi dụng kẽ hở để đăng ký thuê bao đứng tên nhiều sim, kích hoạt sẵn, sau đó bán ra thị trường.
Sơ bộ kết quả thanh tra thông tin thuê bao của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn; nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ sim thứ 4 trở lên.
Vì sự an toàn và quyền lợi của các chủ thuê bao, Cục Viễn thông khuyến cáo người dân sau khi mua sim, hãy nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi đến 1414 để biết sim đang sử dụng có đúng tên của mình không. Bởi việc sử dụng sim đứng tên người khác sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan tới tài chính, kinh tế, giao dịch điện tử.
Liên quan đến tình trạng cuộc gọi rác và các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông vẫn hoành hành, Bộ TTTT cho biết, trong thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, nhằm hạn chế và hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng sim rác, cuộc gọi rác và phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng. |