Đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng
Chiều 23/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế giá trị gia tăng và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 Chương, 16 Điều, về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành gồm: Người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng (Điều 11); khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16).
Về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Để thu gọn đối tượng không chịu thuế, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và đồng bộ, thống nhất với pháp luật chuyên ngành, Chính phủ trình Quốc hội: Sửa đổi tên một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng bộ với quy định của pháp luật chuyên ngành để nhằm tăng tính minh bạch của Luật và giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế.
Ví dụ: “Sản phẩm trồng trọt” thành “sản phẩm cây trồng, rừng trồng” (khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật); “thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác” thành “thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; thức ăn thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản” (khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật); “bản tin chuyên ngành” thành “bản tin, đặc san” (khoản 15 Điều 5 dự thảo Luật); “tàu thủy” thành “tàu thuyền” (khoản 17 Điều 5 dự thảo Luật)…
Bên cạnh đó, sửa đổi quy định rõ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ để thống nhất với pháp luật chuyên ngành, tránh vướng mắc trong thực hiện và thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, ví dụ: Kinh doanh chứng khoán (điểm c khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật); chuyển nhượng vốn (điểm d khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật); phần mềm máy tính (khoản 21 Điều 5 dự thảo Luật)…
Sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ (khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật).
Chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế), ví dụ: Phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập...
Đồng thời, bổ sung một số nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để phù hợp với thực tế phát sinh, ví dụ: Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài (điểm a khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật); hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh theo quy định của Chính phủ” (điểm d khoản 26 Điều 5 dự thảo Luật); di vật, cổ vật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (điểm e khoản 26 Điều 5 dự thảo Luật)…
Bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật, ví dụ: Tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí và lệ phí (khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật); vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện thủy nội địa (khoản 16 Điều 5 dự thảo Luật)…
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, với các nội dung sửa đổi, bổ sung theo đề xuất nêu trên, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 26 nhóm này (bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (Luật thủy sản đã thay tên gọi mới là tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển); lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng).