Để vị muối đừng thêm chát - Kỳ II: Cần quy hoạch tổng thể
Nâng cao chất lượng muối là yêu cầu cấp thiết |
Hướng tới sản xuất bền vững
Cách đây 8 năm, tình trạng cung không đủ cầu đã đẩy giá muối ăn của Việt Nam tăng gấp 3 lần so với mức 450 - 500 đồng/kg cùng kỳ năm 2007. Diêm dân có lẽ chỉ biết “than trời” bởi vì khi muối được giá (lãi trên 1.000 đồng/kg) thì họ lại chẳng có muối mà bán. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đó giải thích cho tình trạng mất cân đối cung cầu của ngành muối là do “thiên không thuận” và “nhân không hoà”. Trước đó 3 năm (tức là năm 2005), giá muối chỉ ở mức 100-200 đồng/kg đã không đủ giữ chân diêm dân với đồng muối, buộc họ phải chuyển sang nuôi trồng thủy sản để có lợi nhuận cao hơn.
Tình trạng “đứng núi này trông núi nọ” của bà con diêm dân cũng như thiếu một quy hoạch bền vững là lý do chính khiến tình trạng được mùa mất giá cứ liên tục diễn ra hết năm này qua năm khác với không chỉ muối mà nhiều mặt hàng nông sản khác… Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần có những chính sách mang tính lâu dài từ phía cơ quan chức năng.
Là địa phương có vựa muối lớn nhất miền Bắc, ông Trần Xuân Lại - Chi Cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nam Định - cho biết, muối Nam Định so với muối miền Trung dịu hơn và ngon hơn nên có lợi thế trong chế biến muối ăn. Tuy nhiên, giá muối Nam Định thời gian qua không ổn định do muối miền Nam, miền Trung đưa ra nhiều, cạnh tranh với muối Nam Định.
Trước khó khăn của diêm dân cũng như tìm đầu ra cho muối Nam Định, ông Lại cho hay, quy hoạch của tỉnh Nam Định vẫn giữ nguyên 600 ha sản xuất muối. Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định sẽ tích cực hỗ trợ diêm dân sản xuất muối sạch, cũng như hỗ trợ DN chế biến một số máy móc công nghệ nhằm nâng cao khả năng chế biến; tập trung xây dựng nhãn hiệu thương hiệu “muối Nam Định” nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Nâng chất cho muối
Liên quan đến công tác quy hoạch ngành muối, ông Lê Văn Bảnh- Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối – chia sẻ, vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục đã cử đoàn đi khảo sát tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận… nhằm khảo sát về khả năng giảm được diện tích sản xuất muối hay không? Qua khảo sát, diện tích có thể giảm được nhưng không nhiều, do đã sản xuất muối thì không trồng cây được trên đất đã làm muối. Vì vậy, công tác quy hoạch, cần phải bố trí phối hợp như thế nào cho hiệu quả. Trong thời gian tới, một phần diện tích diêm dân đang làm muối sẽ được chuyển sang nuôi tôm nước lợ hoặc chuyển sang nuôi tôm ấu trùng (tôm giống).
Cũng theo ông Bảnh, mặc dù muối tồn kho lớn nhưng hàng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn muối công nghiệp. Nguyên nhân do muối Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng cho sản xuất công nghiệp. Do đó, để nâng cao chất lượng muối, thời gian tới, trong công tác quy hoạch, cần lên kế hoạch làm sao tăng lượng muối công nghiệp, muối chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp, y tế và có thể nâng cao khả năng cạnh tranh với muối nhập khẩu.
“Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thành lập đoàn giám sát việc mua tạm trữ muối, cũng như rà soát lại quy hoạch sản xuất muối ở các địa phương, vừa để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo nguồn thu nhập cho diêm dân” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Hiện cả nước có 21 tỉnh, thành phố, gồm 41 huyện, gần 120 xã, với hơn 32.000 hộ dân sản xuất muối trên tổng diện tích hơn 14.800 ha, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn. |