Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ
Ghi nhận tại các tổ thảo luận, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2019 tiếp tục là năm chúng ta đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ |
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, khó dự báo được đầy đủ từ trước. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt. Chính sách tài khóa được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,8%.
Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế nước ta…. Những kết quả này là rất đáng khích lệ, có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong đó trước hết là sự quyết liệt, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt, hiệu quả, chú trọng vào xử lý nhiều vấn đề lớn, dài hạn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển, khích lệ đổi mới sáng tạo trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đặc biệt, trong năm 2019, đã tổ chức 7 cuộc làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng tại các vùng kinh tế trong cả nước kiểm điểm việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 với phát triển kinh tế vùng. Tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề lớn và nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại các địa phương, ban hành nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn trong cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, logistics, đầu tư xây dựng, giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hội nhập quốc tế, phòng chống thiên tai...
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng thắng thắn chỉ rằng, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vẫn còn nhiều điểm nghẽn, tạo sự cản trở đối với tăng trưởng chung. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa kịp thời và đồng bộ trong khi việc thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm túc.
Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp… cũng là những hạn chế được đại biểu Quốc hội chỉ ra bên cạnh những khó khăn, hạn chế trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững và khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng ở một số địa phương…
Làm rõ hơn các nhân tố tác động đến tăng trưởng
Về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, các đại biểu đồng tình với mục tiêu tổng quát mà Chính phủ nêu ra với trọng tâm là tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế bảo đảm phát triển bền vững.
Tuy nhiên, với nhận định trong năm 2020, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp tới việc bảo đảm bền vững của nước ta. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra những giải pháp linh hoạt, hữu hiệu trong công tác điều hành.
Cụ thể, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác dự báo và phân tích các diễn biến do các yếu tố địa chính trị và thương mại quốc tế, thường xuyên đánh giá đầy đủ các rủi ro bên ngoài, các hạn chế nội tại của nền kinh tế, từ đó cảnh báo và đưa ra các phương án dự phòng để điều chỉnh phù hợp, linh hoạt, tránh gây bất ổn cho nền kinh tế.
Riêng với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế – GDP - nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích rõ động lực và chất lượng của tăng trưởng trong thời gian qua để có thể áp dụng cho việc tăng trưởng GDP năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời có đánh giá về thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế.
Đi vào hai lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và thương mại, các đại biểu cho rằng, dù sản xuất công nghiệp đã đạt kết quả cao với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó công nghiệp ô tô có sự phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc nội địa hóa, thực hiện liên kết sản xuất một số sản phẩm như cơ khí chế tạo và hỗ trợ thị trường từ các dự án lớn, quan trọng quốc gia cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn nhiều hạn chế. Các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm phát triển, chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong khi việc phát triển thương hiệu quốc gia, sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam và bảo vệ thương hiệu trong nước cũng chưa phát huy hiệu quả. Do đó, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp lớn và dài hạn để khắc phục tình trạng này.
Trong khi đó, ở lĩnh vực thương mại, ghi nhận tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn khi cho rằng, dù cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao cả về xuất khẩu và nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vì vậy, trong kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ cần phân tích, đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng có đóng góp tích cực vào xuất khẩu trong thời gian qua để có kế hoạch sát thực tiễn hơn.