Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, Sở Công Thương Thái Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực.
Những năm qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thường xuyên, liên tục các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng số vào xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trực tiếp và trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiếp cận đối tác, thị trường xuất khẩu.
Năm 2022, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn công tác của tỉnh tổ chức xúc tiến thương mại tại các nước Bắc Âu. Bước đầu đã có kết quả với một số đơn hàng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vào thị trường Bắc Âu và châu Âu. Sở cũng tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung - cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Bình với 11 tỉnh, thành phố tham dự trực tiếp, 18 điểm cầu trực tuyến trong nước, 19 điểm cầu trực tuyến quốc tế. Đầu năm 2023, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh tổ chức thành công Hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình.
Các hội nghị đã tập trung giới thiệu, kết nối các kênh phân phối, bao gồm cả kênh phân phối bán lẻ (trung tâm thương mại, siêu thị) và kênh thương mại điện tử. Đến nay, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được đưa vào phân phối và tiêu thụ tốt qua hệ thống phân phối bán lẻ như: Bánh nướng, bánh cáy, kẹo dồi, kẹo lạc; đường; các sản phẩm gạo; bánh phở; bia Đại Việt; nước mắm; các sản phẩm sứ dân dụng; …
Hàng hóa của tỉnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử cũng có doanh số tăng trưởng khá từ 15-20%. Tiêu biểu như sản phẩm trà thảo dược của Công ty Cổ phần đầu tư XNK Thái Hưng có doanh số bán hàng trên các trang thương mại điện tử chiếm khoảng 50% tổng doanh số, tốc độ tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước.
Các mặt hàng gạo, thực phẩm tươi sống, chế biến cũng đã khai thác bán hàng trực tuyến, doanh số chiếm khoảng 10-15%. Sau các hội nghị, nhiều doanh nghiệp của tỉnh không chỉ mở rộng được thị trường trong nước mà còn đưa sản phẩm của mình vươn ra thị trường quốc tế. Ví dụ như: Công ty TNHH Liên Hạnh đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH TTC Food của Cộng hòa Séc và đã xuất khẩu 130 tấn bánh phở khô cho công ty TNHH TCC Food đạt trị giá gần 200 ngàn USD. Các sản phẩm Gạch ốp tường, Gạch lát nền, Gạch Porcelain của Công ty Cổ phần kỹ thương Thiên Hoàng có mặt tại các thị trường: Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia với sản lượng 3.229.500 m2 đạt trị giá trên 280 tỷ đồng. Công ty CP Sợi Trà Lý đã tiêu thụ 12.950 tấn sản phẩm sợi dệt vào các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan, Bangladesh,Singapore, Ấn Độ, Đài Loan, Hồng Kông với trị giá 1.687,5 tỷ đồng. Công ty TNHH Hưng Cúc đã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan 950 tấn gạo với giá trị từ 505-595USD/tấn.
Qua các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, các sản phẩm đặc trưng địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh được biết đến trên giá kệ của chuỗi các siêu thị thuộc các tập đoàn phân phối bán lẻ trong nước và nước ngoài, cũng như tiêu thụ tốt qua một số sàn thương mại điện tử.
Với việc tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Thái Bình đã góp phần giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tháo gỡ khó khăn, kích cầu tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho, có tài chính để trang trải, vượt qua những khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Qua đó thực sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với thị trường và người tiêu dùng, là địa chỉ tin cậy, bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần vào thành công chung của ngành Công Thương và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.