Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản Ðiện Biên
Xác định nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua tỉnh Điện Biên đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển. Nhờ đó, ngành nông nghiệp đã từng bước có sự chuyển biến và đạt tốc độ tăng trưởng liên tục. Cụ thể, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu |
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh đều đặc sắc, gắn với lợi thế đất, khí hậu riêng từng huyện, từng xã. Trong đó, có nhiều sản phẩm có giá trị cao như: Gạo, chè, cà phê, bí đao, khoai sọ...
Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng và phát triển được nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn tập trung vào các sản phẩm nông sản tiêu biểu gồm: Chuỗi cung ứng sản phẩm chè Shan tuyết của Công ty TNHH Một thành viên Hương Linh, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa với sản lượng khoảng 2 - 3 tấn chè búp khô/năm; chuỗi cung ứng sản phẩm gạo Séng cù của Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Đội 2, Thanh Yên, huyện Điện Biên sản lượng khoảng 300 tấn/năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên, việc xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã góp phần tăng nguồn cung và từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Tuy nhiên, do đặc thù vùng miền, điều kiện giao thông chưa thuận lợi, công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, giải quyết khâu đầu ra sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản của tỉnh, năm 2022, ngành nông nghiệp và công thương thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể kinh tế tham gia nhiều lượt hội chợ, tuần lễ giới thiệu nông sản cả trong và ngoài tỉnh.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vận dụng linh hoạt, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại nông sản thông qua các dịp lễ hội Hoa Ban, Sở đã phối hợp với Ban tổ chức lễ hội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm. Đồng thời, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế; Hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi bán lẻ…
Năm 2022, Sở Công Thương Điện Biên cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả được 7 đề án xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các cuộc hội chợ triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, cụ thể: tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022.
Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia 3 hội chợ thương mại tại Lào, 4 hội chợ triển lãm thương mại trong nước, tham gia Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; tổ chức tham gia các diễn đàn xúc tiến xuất khẩu và các hội nghị trực tuyến về công tác xúc tiến thương mại khác.
Một điểm trưng bày, bán, giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Điện Biên |
Xác định hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết, khắc phục những tồn tại, khó khăn hiện nay, năm 2023, Sở Công Thương Điện Biên sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.
Sở cũng sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tăng trưởng thị trường hàng hóa bán lẻ và dịch vụ thương mại; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh như: Chè, cà phê, gạo Điện Biên, xi măng…. đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, Sở tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng hóa chủ lực của tỉnh, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh có khả năng thâm nhập và tạo thị trường ổn định, hướng đến xuất khẩu.