Đẩy mạnh hoàn thiện 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi
Những kết quả tích cực
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong đó, việc đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia là bước tiến quan trọng, góp phần khẳng định nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Việc đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia khẳng định nỗ lực trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia |
Sau một thời gian triển khai, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân: Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đã thu thập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99%; thu thập được hơn 50,2 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân; tổ chức kết nối, chia sẻ thành công để đồng bộ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (dữ liệu bảo hiểm), Bộ Tài chính (dữ liệu mã số thuế cá nhân), Bộ Giáo dục và Đào tạo (dữ liệu học sinh), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (dữ liệu trẻ em), Tổng công ty Điện lực Việt Nam (dữ liệu đăng ký, sử dụng điện) và đang tiếp tục triển khai kết nối với Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải…
Đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: Đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 10 bộ, ngành bao gồm Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước; 60 địa phương (3 địa phương còn lại chưa kết nối là Bạc Liêu, Khánh Hoà, Tuyên Quang).
Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm: Hiện tại, dữ liệu do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý bao gồm 31,9 triệu hộ gia đình, 16,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và 83,895 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
Dữ liệu bảo hiểm cũng đã được sử dụng để xây dựng ứng dụng VssID phục vụ người dân. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương nhằm phục vụ cho công tác tiêm chủng, công tác hỗ trợ cho người lao động hưởng các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đáng chú ý trong lĩnh vực đất đai: Đã vận hành 4 khối dữ liệu đất đai (Dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dữ liệu giá đất; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai).
Hiện nay, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với 217/705 đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành và đưa vào vận hành tập trung ở các tỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, khối lượng xây dựng cơ sở dữ liệu sau điều chỉnh dự án là 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố. Kết quả đến nay có 52/250 huyện đã hoàn thành nghiệm thu cơ sở dữ liệu đất đai với đủ 04 thành phần dữ liệu. Dự kiến kế hoạch đến tháng 12/2022 hoàn thành 180/250 huyện; quý I, II/2023 hoàn thành tất cả các huyện thuộc dự án.
Đối với Bộ Tư pháp, đã triển khai phần mềm hộ tịch điện tử với khoảng 18 nghìn người dùng tại hơn 10 nghìn xã, 700 huyện và 63 Sở Tư pháp. Dữ liệu trong hệ thống đã lưu trữ được 31,3 triệu đăng ký khai sinh, 6,79 triệu đăng ký kết hôn, 4,53 triệu đăng ký khai tử và 8 triệu đăng ký hộ tịch khác. Qua đó, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tập trung toàn quốc...
Có giải pháp để người dân dễ dàng tiếp cận hơn nữa
Theo đánh giá, hiệu quả ban đầu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia mang lại rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp...
Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn nhìn nhận, dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất; người dân, doanh nghiệp vẫn phải kê khai, cung cấp thông tin nhiều lần, thủ công, đi lại nhiều nơi khi thực hiện thủ tục hành chính...
Nguyên nhân của hạn chế này được chỉ ra, do việc triển khai dữ liệu và căn cứ pháp lý để khai thác dữ liệu phục vụ cải cách hành chính chưa đồng bộ. Dữ liệu chưa thay thế hoàn toàn được giấy tờ, điều này gây thêm gánh nặng cho các cơ quan, tổ chức khi phải thực hiện các hoạt động điện tử và thủ công song song.
Sự chuyển tiếp giữa chính sách sử dụng dữ liệu thay thế giấy tờ còn chưa liền mạch và đồng bộ gây khó khăn, bối rối cho người dân, ví dụ như vấn đề về bỏ sổ hộ khẩu...
Nhiều cơ quan chưa chủ động cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài. Tính đến hết quý III/2022, mới có 9% các bộ, ngành, địa phương cung cấp dữ liệu mở. Việc chậm cung cấp dữ liệu mở dẫn đến hạn chế sự tham gia của xã hội vào thúc đẩy chuyển đổi số.
Để tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện văn bản, quy định để điều chỉnh ngay quy trình, nghiệp vụ bảo đảm khi đã có dữ liệu chính xác thì thay thế được các bản giấy. Trước hết là khai thác dữ liệu dân cư và không yêu cầu sổ hộ khẩu giấy, giấy đăng ký kết hôn… trong các thủ tục hành chính.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhanh chóng hoàn thành việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, các cơ sở dữ liệu đã triển khai xây dựng phải quán triệt, nhanh chóng xây dựng và ban hành quy định về cấu trúc thông điệp dữ liệu chia sẻ, công bố công khai dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu của mình và kết nối với Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia để dữ liệu được lưu thông thông suốt theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành cần nghiên cứu đề xuất cơ chế, phương án thu phí được từ dữ liệu để tái đầu tư, duy trì dữ liệu “sống”; đề xuất cơ chế, phương án kinh phí để duy trì Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để bảo đảm huyết mạch chia sẻ dữ liệu quốc gia được thông suốt và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các chuyên gia về dữ liệu; tích cực phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước ưu tiên triển khai. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành, các địa phương cần chi tiết hóa thành kế hoạch và triển khai nhanh chóng để làm cơ sở kích thích phát triển kinh tế số, xã hội số. |