Người tiêu dùng được bảo vệ từ “gốc”
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Từ khi ra đời đến nay, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã góp một phần không nhỏ vào việc bảo vệ quyền lợi NTD. Trong đó, đặc biệt là việc hình thành hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương; mạng lưới các Hội Bảo vệ NTD và một số thành tựu trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ NTD, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, thu hồi sản phẩm khuyết tật, bảo hành và thực thi các trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
Theo đánh giá, quyền lợi của NTD đã được tôn trọng hơn, bình đẳng hơn, tính công khai minh bạch trong mua bán đã được cải thiện, đặc biệt đã bắt đầu thực hiện việc bảo vệ NTD từ “gốc” - bảo vệ theo chuỗi sản xuất phân phối, hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Các đơn vị bán lẻ từng bước xây dựng được thương hiệu của mình thông qua công tác phục vụ và công tác bảo vệ NTD.
Thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) cho thấy, số lượng các Hội Bảo vệ NTD được thành lập mới tại các tỉnh, thành phố đã có sự gia tăng đáng kể, từ 44 hội trên cả nước vào năm 2012 lên 56 hội vào năm 2020. Trong đó, nhiều hội đã phát triển mạng lưới xuống cấp huyện, xã, cũng như thành lập nhiều chi hội trực thuộc. Một số hội tại các địa phương đã đăng ký thành viên của Hội Bảo vệ NTD Việt Nam, tạo thành một khối tổ chức thống nhất, cùng hoạt động vì mục tiêu bảo vệ NTD.
Song song với đó, công tác tư vấn, hỗ trợ NTD giải quyết khiếu nại tại các cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương đã ghi nhận số lượng vụ việc khiếu nại, phản ánh gia tăng rõ nét, từ chỗ chỉ có trên dưới 100 vụ việc/năm trong giai đoạn 2011-2012 đã tăng lên trên 500 vụ/năm trong giai đoạn 2015-2020,…
Quyền lợi của NTD đã được tôn trọng hơn, bình đẳng hơn, tính công khai minh bạch trong mua bán đã được cải thiện |
Một trong những kết quả rất nổi bật là việc xây dựng và đưa vào vận hành tổng đài tư vấn hỗ trợ NTD tại đầu số miễn phí cước gọi đến 1800.6838. Thống kê cho thấy, năm 2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD đã tiếp nhận hơn 14.000 phản ánh, khiếu nại, yêu cầu tư vấn từ NTD; trong đó, chủ yếu tăng mạnh thông qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ NTD 1800.6838. Mặc dù vậy, trong năm 2020 có tới 11.211 cuộc gọi tới tổng đài của Bộ Công Thương nhưng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD chỉ có thể tiếp nhận và trả lời được khoảng 80 - 90% cuộc gọi đến. Đây là con số khá cao so với khoảng 60% cuộc gọi tới được trả lời vào giai đoạn 2015-2019.
Với số lượng cuộc gọi này cho thấy, việc phản ánh, khiếu nại của NTD ngày càng tăng lên cùng với năng lực xử lý tại các cơ quan quản lý nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tồn tại chưa được xử lý hết. Thực tế cho thấy, quyền lợi của NTD vẫn bị xâm phạm nhiều bởi một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ, chính xác những quy định pháp luật về vấn đề này. Nhiều phản ánh về hiện tượng tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại cho NTD (chủ yếu liên quan đến các giao dịch trên môi trường mạng); vi phạm quyền được bảo vệ thông tin của NTD, quấy rối NTD. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực như nhà chung cư, bất động sản, bảo hiểm, tiêu dùng.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền đã được chủ động và thường xuyên, liên tục thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nổi bật là hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của NTD Việt Nam (ngày 15/3) hàng năm luôn ghi nhận sự tham gia của ít nhất 58 tỉnh, thành phố với nhiều hoạt động hướng tới NTD. Tổ chức hàng chục nghìn hội thảo, tập huấn, mittinh, phát hành sách báo, tạp chí và tài liệu tuyên truyền; phát hàng triệu tờ rơi, các buổi phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao nhận thức của NTD, cộng đồng doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.
Thêm vào đó, phạm vi và đối tượng tuyên truyền cũng đã được mở rộng, không chỉ tập trung ở các vùng thành thị mà đã định hướng xuống các địa phương, vùng sâu, vùng xa và hướng tới đối tượng đặc biệt (đồng bào dân tộc) hoặc các nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên...
Bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng
Bên cạnh các kết quả đạt được, một vấn đề hạn chế, tồn tại trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD cũng đã được chỉ rõ là hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tại địa phương chưa cao, chưa phát huy được hiệu quả trong thúc đẩy các hoạt động bảo vệ NTD tại địa phương. Trong khi đó, kết quả đánh giá quá trình thực thi Luật cũng cho thấy, địa phương nào có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức thì công tác bảo vệ NTD tại địa phương đó sẽ có nhiều kết quả khởi sắc, thu hút được sự tham gia của đông đảo các chủ thể tại địa phương, qua đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ NTD trên địa bàn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD Việt Nam cho biết: Từ thực tiễn 10 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội như tên gọi. Quyền lợi cơ bản của NTD vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD (Hội bảo vệ NTD) có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Nhưng hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, với các hình thức mua bán trực tuyến trên các website thương mại điện tử, qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi NTD mới. Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng. Dẫn đến việc nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian tới, việc xây dựng và phát huy hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD là vấn đề cấp thiết, mang tính định hướng cho thành công của công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NTD cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.