Đòi hỏi cấp bách của thực tiễn
Nhân lực số là lực lượng lao động có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có tư duy đột phá, sáng tạo và có khả năng thích ứng nhanh với môi trường lao động và sự biến đổi của khoa học và công nghệ. Đây cũng là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao trực tiếp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn thông tin mạng…
Nhân lực là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp |
Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu nhiệm vụ, lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ tối thiểu 1.000 chuyên gia về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, địa phương.
Hàng năm tuyển sinh đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin. Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề gắn với công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing). Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đặc biệt, với mục đích tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có Quyết định số 146/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án: “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đề án khẳng định, phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đặt ra mục tiêu đến 2025, đào tạo được 5.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số; mục tiêu đến 2030, đào tạo được 20.000 kỹ sư, cử nhân, cử nhân thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo về chuyển đổi số.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) cho biết, trước sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số, nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng cao hay nhân lực số là một yêu cầu tất yếu. Đặc biệt, nhiều dự báo cho thấy, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
“Tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số - nơi mà các máy móc, thiết bị sẽ được kết nối, tự động ra quyết định toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất. Theo đó, cũng đòi hỏi cấp bách về nguồn nhân lực kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” - Tiến sĩ Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
"Khát" nhân lực kỹ thuật cao
Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm hiện nay, đó là tình trạng thiếu nhân lực đáp ứng kỹ năng và chuyên môn theo yêu cầu thực tế. Đơn cử, nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp ICT hiện tại mới đạt trên 1,5 triệu lao động.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù số lượng sinh viên đào tạo hàng năm nhiều nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp công nghệ thông tin.
Hay trong ngành công nghiệp bán dẫn - một ngành được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế số, với dự báo năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam vượt giá trị 6,16 tỷ USD và đến năm 2030, quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20 - 30 tỷ USD, cũng đang đặt ra “bài toán” phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel thông tin, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực châu Á hạ quyết tâm làm chủ công nghệ bán dẫn, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.
Gần đây, khi ngành chip thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang quay trở lại Việt Nam. “Muốn đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô nhân sự so với toàn bộ thành quả gần 20 năm qua (hơn 5.000 người)” - ông Hoàng bày tỏ.
Để phát triển nguồn nhân lực số cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho rằng, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, ưu tiên cho các ngành khoa học kỹ thuật; đào tạo, hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội.
Trong đó, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo và cách thức hỗ trợ của Nhà nước trong công tác nghiên cứu, làm chủ công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và chuyển giao công nghệ; nâng cao chất lượng đào tạo một số trường đại học, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong ASEAN và thế giới.
Đồng thời, cần sự kết hợp 3 “nhà”: Nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số, kinh tế số. Hiện tại, chủ yếu là phía doanh nghiệp có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học, còn nhà trường, nhất là các trường công lập, chỉ tập trung công tác đào tạo chứ chưa chủ động hợp tác với doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần có các chính sách bảo hộ trong một khoảng thời gian hợp lý để tạo và bảo vệ thị trường cho các đề tài/dự án khoa học và công nghệ đã được nghiên cứu thành công nhằm giúp cho các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu có cơ hội hoàn thiện công nghệ đã phát triển.
Khẳng định xây dựng đội ngũ năng lực số là một trong các nền móng chuyển đổi số tại doanh nghiệp, ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn chia sẻ, nhân lực là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát triển phải có đội ngũ nhân lực tốt và ổn định. Hơn nữa, chúng tôi còn có những dự định mở rộng quy mô kinh doanh, vì vậy nhân lực luôn là khâu quan trọng nhất.
Hiện Miza Nghi Sơn chú trọng áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất. Do đó, đơn vị thường xuyên tổ chức đào tạo theo thứ tự, ví trí công việc, để đội ngũ nhân lực của công ty ngày càng hoàn thiện hơn. “Trình độ nhân lực kỹ thuật cao của công ty hiện chiếm khoảng 20-30% tổng số nguồn nhân lực” - ông Lê Văn Hiệp cho hay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - đoàn Hải Dương cho hay, cần phải quan tâm tới việc đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện còn thiếu so với nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê, nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin mới chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số lao động.
Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có đòi hỏi nguồn nhân lực tương ứng để có thể ứng dụng chuyển đổi số, nhằm nâng cao năng suất lao động. |