Đấu giá lô cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam: Giá cao nhất 1.200.000 đồng/kg
Ngày 17/8, tại Hà Nội, Công ty Simexco Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức Phiên đấu giá cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam lần thứ II năm 2024. Đây là những lô cà phê đặc biệt được chọn lọc kỹ từ cuộc thi Vietnam Amazing Cup 2024. Việc tổ chức Phiên đấu giá cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam không chỉ giúp kết nối nhà rang xay với người nông dân mà còn nâng tầm thương hiệu cà phê.
Đấu giá 15 lô hàng cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam
15 lô hàng cà phê đặc sản, trong đó có 9 lô cà phê Robusta và 6 lô cà phê Arabica được đưa ra đấu giá. Mỗi đơn vị có cà phê đấu giá sẽ mang đến thông điệp riêng từ nông trại, từ việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam lan tỏa những ly cà phê ngon nhất đến người tiêu dùng.
Phiên đấu giá lô hàng cà phê đặc sản Vietnam Amazing Cup 2024 |
Các sản phẩm đưa ra đấu giá có giá khởi điểm thấp nhất là 180.000 đồng/kg và cao nhất là 360.000 đồng/kg. Giá trúng thầu cao nhất là 1.200.000 đồng/kg dòng Arabica và 720.000 đồng/kg với dòng Robusta. Kết quả này đem lại sự hài lòng không nhỏ cho những người tạo ra hạt cà phê đặc sản của Việt Nam.
Cụ thể, sản phẩm cà phê Robusta Natural của Công ty Nông nghiệp thực phẩm hữu cơ Việt Nam (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), giá khởi điểm được đưa ra tại phiên đấu giá là 250.000 đồng và được khách hàng trả với giá cao nhất là 720.000 đồng/kg.
Cùng dòng Robusta Natural, sản phẩm của nông trại cà phê chín Ea Tân (huyện Krông Năng, huyện Đắk Lắk), sản phẩm cà phê có hương vị dừa, ca cao; vị trái cây nhiệt đới (chuối, chanh dây); vị hạt rang (đậu phộng, hạnh nhân, hạt óc chó); vị trái cây khô (mận khô, nho khô, mơ khô, chà là); trà đen, ngọt đường nâu, socola. Giá khởi điểm được đưa ra tại phiên đấu giá là 260.000 đồng và được khách hàng trả với giá cao nhất là 610.000 đồng/kg.
Tương tự, sản phẩm Robusta Natural lên men quả yến khí của HTX Ea Kiết (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk), sản phẩm có hương vị: rượu, vị cay (cần tây, quế); vị quả hạch (mận, táo đỏ); vị trái cây nhiệt đới (ổi, chanh dây, vải); đường nâu, socola đen. Thông điệp được HTX đưa ra đó là nâng tầm cà phê Việt. Giá khởi điểm được đưa ra tại phiên đấu giá là 250.000 đồng, và được khách hàng trả với giá cao nhất là 400.000 đồng/kg.
Với dòng cà phê Arabica, sản phẩm Arabica Natural Pun Coffee trồng tại Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị). Cà phê có các hương vị cay (bạc hà, gừng, hạt ngò, quế), vị cam chanh, quả hạch (mơ, mận), trái cây nhiệt đới (mít, ổi, chuối, xoài, chanh dây, dứa), vị quả mọng (phúc bồn tử, dâu đen), vị socola, hoa, rượu. Pun Coffee cà phê đặc sản Việt Nam từ Khe Sanh Quảng Trị. Giá khởi điểm 350.000 đồng/kg và đã được một khách hàng trả giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg (lô 30kg).
Ông Nguyễn Trí Thắng - Giám đốc Hợp tác xã Ea Tân - cho biết, đây cũng là lần thứ hai hợp tác xã tham gia đấu giá. Lần đầu tiên tham gia, sản phẩm của hợp tác xã có giá 350.000 đồng/kg, nhưng tại lần thứ 2 này, sản phẩm cà phê của hợp tác xã đã được trả với giá 610.000 đồng/kg đến từ doanh nghiệp người Ba Lan. Đây là mức giá vượt cả kỳ vọng của hợp tác xã.
Khách tham dự sẽ có cơ hội khám phá và trải nghiệm những loại cà phê đặc sản đến từ các vùng miền trên cả nước |
Phiên đấu giá thu hút được hàng ngàn lượt khách tham gia (là nhà rang xay, nhà pha chế, người tiêu dùng…) trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong sự kiện lần này nhận được sự quan tâm của các thương hiệu rang xay đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là những thị trường có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nhanh nhất thế giới đang rất quan tâm đến Fine Robusta Việt Nam. Tại sự kiện, các đại biểu đã có những trải nghiệm thú vị trong phần thử nếm cà phê (Cupping), nơi mà những hương vị tinh túy nhất của cà phê đặc sản Việt Nam đã được tôn vinh.
Đặc biệt, trong phiên đấu giá hôm nay, lần đầu tiên, cà phê đặc sản có buổi livestream đấu giá trực tiếp tại Tiktok do Tiktok Việt Nam hỗ trợ tổ chức. Phiên livestream đã tiếp cận 1,7 triệu người, trong đó có 20.000 người vào xem trực tiếp, 1 người chốt đấu giá thành công qua kênh online.
Ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk – thông tin, việc tổ chức sự kiện nhằm kết nối trực tiếp nhà rang xay với người nông dân, đơn vị sản xuất cà phê đặc sản. Giới thiệu các lô hàng tham gia cuộc thi VietNam Amazing Cup với nhà rang xay trong và ngoài nước. Thương mại các lô hàng tham gia cuộc thi Vietnam Amazing Cup. Bên cạnh đó, sự kiện nhằm tôn vinh giá trị của những lô hàng cà phê đặc sản, tạo giá trị gia tăng cho cà phê đặc sản Việt Nam cũng như tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cấp chất lượng.
"Việc tổ chức phiên đấu giá cà phê đặc sản là cơ hội để các nhà rang xay, các đơn vị thu mua có thể sở hữu những lô hàng cà phê đặc sản hàng đầu Việt Nam. Những lô hàng này không chỉ là kết quả của quá trình lao động miệt mài của người nông dân mà còn là thành quả của sự sáng tạo và đam mê trong việc nâng tầm hương vị cà phê Việt", ông Lê Đức Huy nói.
Nâng tầm cà phê đặc sản
Đây là lần thứ hai Đắk Lắktổ chức phiên đấu giá các lô hàng cà phê đặc sản. Trước đó, năm ngoái (2023), phiên đấu giá lần đầu tiên đã mang lại thành công nhất định. Giá bán cà phê đặc sản đã được nâng lên gấp 5 - 7 lần so với giá cà phê thông thường, khẳng định giá trị rất lớn của cà phê đặc sản Việt Nam.
Khách hàng trải nghiệm cà phê tại Vietnam Amazing Cup 2024 |
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp Hội Cà phê Buôn Ma Thuột – cho hay, Phiên đấu giá với sự tham gia đông đảo bà con trồng cà phê từ khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến khu vực Sơn La cùng với tâm thế hồ hởi, phấn khởi được tiếp cận với thị trường rất sâu rộng – thị trường Hà Nội. Đây là thị trường được nhận định không mới mẻ nhưng phát triển quá nhanh.
“Bản thân tôi khi ra Hà Nội được ngồi những quán cà phê hết sức đẳng cấp và tôi cũng không nghĩ rằng nó có thể phát triển nhanh như vậy. Đây là thị trường rất tiềm năng”, ông Trịnh Đức Minh chia sẻ và cho rằng, để thị trường này phát triển và đem lại lợi ích tốt hơn cho người nông dân sản xuất cà phê, thì việc tổ chức phiên đấu giá sẽ tạo động lực rất tốt để cho bà con tiếp tục phát triển.
“Khách hàng có mặt trực tuyến hoặc trực tiếp đều sẽ có cơ hội sở hữu những lô hàng cà phê đặc sản được chọn lọc kỹ lưỡng từ các vùng trồng cà phê nổi tiếng trên cả nước. Những lô hàng này không chỉ đại diện cho chất lượng mà còn mang trong mình câu chuyện và giá trị văn hóa của từng vùng đất”, ông Trịnh Đức Minh nói.
This browser does not support the video element.
Ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc Kinh doanh Simexco Đắk Lắk – thông tin, mỗi năm, doanh nghiệp xuất khẩu 120 nghìn tấn cà phê. Cà phê Việt Nam đã lan tỏa ra khắp thế giới. Mỗi ngày, trên thế giới tiêu thụ 3 tỷ tách cà phê, tuy nhiên, cà phê đặc sản đang còn rất ít. Từ 2015, công ty phát triển cà phê đặc sản và đến nay nhiều doanh nghiệp cũng đang đi theo hướng này. Đây là xu thế tất yếu.
Có thể thấy, thị trường cà phê rất khắc nghiệt, hàng ngày đều có những người gia nhập thị trường cũng như thoái lui khỏi thị trường. Người nông dân ngày đêm sản xuất và tạo ra hạt cà phê, tuy nhiên sự tái phân phối lợi nhuận ngành cà phê đối với người nông dân còn quá thấp, đây là điều trăn trở. Việc này không chỉ riêng Việt Nam. Tại nhiều nơi trên thế giới, thu nhập của người trồng cà phê chỉ bằng 70% thu nhập trung bình của người làm nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra lúc này đó là hiện nay và những năm sắp tới, thu nhập đủ sống cho người trồng cà phê là bao nhiêu?
Do đó, việc tạo sân chơi trực tiếp cho người trồng cà phê đặc sản và nhà rang xay trong và ngoài nước, trong đó, việc tổ chức phiên đấu giá thành công sẽ tạo cú hích, động lực to lớn để cho những người làm cà phê, từ nhà sản xuất, nhà rang xay, nhà làm thương mại có những động lực mới, đưa cà phê đặc sản Việt Nam đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tạo thương hiệu và uy tín cho cà phê Việt Nam.