Đấu giá, đừng "nổ" cho sướng miệng rồi bỏ cọc!
Tin khó tin là mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) có giá khởi điểm chỉ 19,2 tỷ đồng, vừa được đấu giá thành công với giá 883 tỷ đồng, cao gấp 45 lần giá khởi điểm.
Một mỏ cát khác ở xã Châu Sơn (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) cùng trong phiên đấu giá này, khiến dư luận cả nước choáng váng khi giá khởi điểm 2,881 tỷ đồng, còn giá trúng là 397 tỷ đồng, cao gấp 141 lần so với giá khởi điểm.
Ảnh minh hoạ. |
Nhưng so với kết quả trúng đấu giá mỏ Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) thì kết quả đấu giá 2 mỏ nói trên còn... chạy dài, bởi mỏ Liên Mạc còn có giá trúng đấu giá lên tới 408 tỷ đồng, so với giá khởi điểm là 2,051 tỷ đồng, tức cao gấp 200 lần.
Đại diện đơn vị thực hiện đấu giá là Công ty đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam khẳng định với phóng viên Báo Công Thương chiều 6/11: Sẽ không có đơn vị nào bỏ cọc ở cả 3 mỏ cát này.
Nếu nhận định này là đúng thì quả là mừng khi ngân sách Nhà nước thu thêm được gần 1.700 tỷ đồng, từ 3 mỏ cát theo trữ lượng thăm dò chỉ khoảng 6,1 triệu m3. Và nếu tính theo giá thị trường cao nhất, có khai thác hết trữ lượng, cũng chỉ thu về khoảng 1.200 tỷ đồng, chưa trừ thuế phí.
Một phép tính quá đơn giản bất cứ ai cũng nhìn thấy sự thua lỗ nếu đầu tư vào, kể cả những người chưa từng có kinh nghiệm thương trường.
Lại nhớ năm 2021, một mỏ cát tại tỉnh An Giang có giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, qua đấu giá 45 vòng, được thổi lên 2.811 tỷ đồng, tăng 390 lần. Ít ngày sau đó, đơn vị trúng đấu giá đã “bỏ của chạy lấy người”.
Cuối năm 2022 là vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh. Giá đất được các “đại gia tiền hơi” thổi lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2, sau đó tất cả cùng bỏ cọc.
Mới đây nhất, loạt đại gia trúng đấu giá biển số xe siêu đẹp sau khi ‘nổ’ cho sướng miệng cũng lặn mất tăm không đến nộp tiền theo quy định.
“Gương mặt tiêu biểu” là đại gia Thanh Hoá H.X.H ‘nổ’ 45 tỷ đồng cho 2 biển số xe siêu đẹp 51K - 888.88 và 30K - 567.89 hiện đang phải rao bán chiếc "xe cỏ" với giá chưa nổi 1 tỷ đồng với lý do thiếu tiền.
Trở lại với vụ đấu giá 3 mỏ cát nói trên, dù biến nào xảy ra, Nhà nước đều có lợi. Các doanh nghiệp không bỏ cọc, Nhà nước thu bộn tiền. Các doanh nghiệp bỏ cọc, Nhà nước vẫn thu được tiền cọc, hàng tỷ đồng.
Những nếu các doanh nghiệp này bỏ cọc, dưới một góc nhìn khác, đó là sự lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cơ hội đầu tư của rất nhiều khách hàng khác có nhu cầu tham gia đấu giá thật.
Nó cản trở, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội, đi ngược với nỗ lực quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn thành phố… như chủ trương đề ra.
Hành vi này, dù để đánh bóng tên tuổi, gây sự chú ý, hay để trục lợi, hay vì bất cứ lý do nào đó, đều không thể chấp nhận. Hành vi này cần sớm có chế tài mạnh hơn để ngăn chặn, xử lý, không thể chỉ mất cọc rồi "xí xóa".