Cụ thể, EVN sẽ chào bán toàn bộ 11.486.853 cổ phần đang góp vốn tại ABS với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, nhằm thực hiện lộ trình thoái vốn ngoài ngành của Tập đoàn này.
Năm 2014, EVN đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại công ty cổ phần bất động sản Land Sài Gòn; Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung và một phần vốn tại công ty Tài chính Cổ phần Điện lực với tổng số tiền thu về là 691 tỷ đồng, đạt 40,8% số vốn phải thoái giảm.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015, trong đó, EVN quyết tâm hoàn thành việc thoái vốn trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.
Cụ thể là hoàn thành thoái vốn tại Ngân hàng An Bình, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực đồng thời giảm vốn tại 4 Công ty cổ phần cơ khí điện lực xuống mức dưới 50% vốn điều lệ; trình Bộ Công Thương đề án cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 (GENCO3). Đồng thời giảm vốn tại 4 công ty cổ phần cơ khí Điện lực xuống mức dưới 50% vốn điều lệ...
Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn này tại Ngân hàng An Bình (ABBank) là 16%. Dự kiến trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước sẽ có phương án xử lý cổ phần của EVN tại ABBank.
Đối với Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, EVN đã thoái vốn, bán cho nhà đầu tư nước ngoài 2,5% và dự định sẽ bán tiếp số còn lại trong năm 2015.
Năm 2015, EVN sẽ lấy “Năng suất - Hiệu quả” là chủ đề chính để hoàn thành các mục tiêu về tăng năng suất, chất lượng, tối ưu hóa chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả quản lý lao động.
Để hoàn thành mục tiêu trên, tập đoàn đang tập trung xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến cuối năm nay sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.