Thứ hai 23/12/2024 04:42

Dấu ấn thời đại trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Những dấu ấn trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang và sẽ tiếp tục khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của dân tộc.

Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những định hướng lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, cũng như phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế đã có cuộc chia sẻ về những dấu ấn thời đại trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Báo Công Thương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thưa ông, lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế đất nước, cũng như phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Ông có thể nêu những dấu ấn quan trọng của Tổng Bí thư về lĩnh vực này?

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, tạo sự đột phá với mục tiêu sự phát triển là thực sự vì con người, phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.

Theo đó, trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành liên tiếp 3 Nghị quyết quan trọng về đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, gồm: Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong đó, Nghị quyết 41-NQ/TW ra đời với những quan điểm rất mới, rất mạnh mẽ trong phát triển đội ngũ doanh nhân nước ta. Tại nghị quyết 41-NQ/TW, lần đầu tiên đội ngũ doanh nhân được khẳng định có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, những nội dung trong Nghị quyết là sự tiếp nối nhất quán, liên tục và nâng cao hơn, làm sâu sắc hơn và cụ thể hoá những chủ trương, quan điểm, yêu cầu, mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta và các giải pháp cần thiết về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới.

TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế

Có thể nói, bên cạnh việc truyền tải tinh thần Thư gửi các giới Công Thương Việt Nam ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kế thừa những nội dung còn nguyên giá trị của Nghị quyết 09-NQ/TW, thì Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị đã có nhiều nội dung và thông điệp mới mang tính đột phá về quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thể chế có tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao. Đồng thời, khẳng định một trụ mốc mới trên hành trình phát triển nhận thức, sự cầu thị, đổi mới, quyết tâm và dũng cảm chính trị của Đảng về doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, những quan tâm, tâm huyết của Tổng Bí thư đối với khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như tư duy kinh tế mang dấu ấn thời đại của Tổng Bí thư còn thể hiện đậm nét và sâu sắc trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thông điệp nổi bật xuyên suốt và cũng là tuyên ngôn về mục tiêu kinh tế của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong cuốn sách đó là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”.

Một điểm nhấn mới mẻ trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" đó là lần đầu tiên nâng cấp nhận thức về cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Cơ chế đó không dừng ở yêu cầu kết hợp hài hoà hai bàn tay Nhà nước với bàn tay thị trường như cách hiểu phổ biến lâu nay trên thế giới và ở Việt Nam, mà phải là giải quyết hài hòa mối quan hệ tay ba giữa nhà nước - thị trường - xã hội.

Ngoài ra, dấu ấn thời đại trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn thể hiện ở nhấn mạnh yêu cầu: “Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” trên cơ sở: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lốì, chiến lược phát triển kinh tế đất nước” và “Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”.

Cùng với đó, dấu ấn thời đại và sự khiêm tốn, cầu thị trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn hội tụ và toả sáng trong lời dặn dò mang tính tổng kết: Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

Những tư duy kinh tế mang dấu ấn thời đại nêu trên cùng với các tư tưởng chỉ đạo khác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận trong các bài viết và phát biểu đa dạng của mình về các lĩnh vực khác nhau đã không chỉ góp phần làm giàu thêm kho báu tri thức, tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất nhiều lần nói đến vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt Tổng Bí thư luôn quan tâm đến xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh. Ông có chia sẻ gì về mong muốn cũng như chỉ đạo hết sức sâu sát và đặc biệt này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam cần phải phấn đấu đạt trình độ của doanh nhân thế giới, nhưng vẫn phải có bản sắc của riêng mình. Doanh nhân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh cần đóng góp sức lực vào phát triển kinh tế thị trường theo hướng văn minh, không chỉ vì lợi ích tối đa của cá nhân mình, mà còn vì tập thể, vì cộng đồng, làm giàu chính đáng, không chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, chụp giật, “đánh bóng mình” không thực chất...

Trong đó, Tổng Bí thư nêu cao tinh thần của đội ngũ doanh nhân cần phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới, đó là: “Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam”.

Trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng sức sản xuất, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, huy động các nguồn lực để duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội. Thế hệ doanh nhân ngày nay luôn có ý thức giữ gìn chữ "tín", đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp.

Xét đến cùng, đạo đức và văn hoá kinh doanh lành mạnh, vì lợi ích con người đã, đang và sẽ quyết định sức mạnh và vai trò sự phát triển thành công của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như của mỗi quốc gia trong xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, bền vững…

Thời gian tới, để tiếp tục hiện thực hoá khát vọng và mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển kinh tế đất nước, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ông có thể gợi mở một số giải pháp?

Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Những tư tưởng của Tổng Bí thư về doanh nghiệp, doanh nhân đã phản ánh đúng những nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân và yêu cầu của nền kinh tế, giúp đội ngũ doanh nhân Việt Nam được "cởi trói" và tự tin, vững bước khẳng định vai trò, vị trí và định hướng phát triển cho mình, cùng với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc…

Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới, thay cho Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 thêm một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045; đồng thời là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới tạo động lực để phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trong bối cảnh chung khó khăn hiện tại, Quốc hội và Chính phủ cũng đã chủ động kịp thời ban hành nhiều nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ... Tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đến nay, một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng đã có kết quả tốt, như chính sách cho vay doanh nghiệp (hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí). Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và kỳ vọng nhiều vào tinh thần chung trong chỉ đạo của Chính phủ là đẩy mạnh hợp tác công tư, chính sách tiền tệ, tài khóa phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước…

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, bứt phá tăng tốc phát triển kinh tế đất nước và mỗi địa phương trong thời gian tới cần coi trọng và tập trung vào một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, miễn giảm hoặc gia hạn, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thứ hai, Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục hướng đến mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, duy trì ổn định giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá; nhanh chóng giải ngân cho các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện hoặc vay và khả năng trả nợ.

Thứ ba, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường trong nước, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến, đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà doanh nghiệp, khơi dậy nội lực, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc theo hướng quản trị hiện đại, phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, tuân thủ đúng pháp luật, đạo đức và văn hoá kinh doanh; nâng cao bản lĩnh và năng lực phản ứng thị trường, chủ động nắm bắt cơ hội và các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường trên thị trường hiện nay.

Thứ năm, cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội, Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam không chỉ trong tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, phối hợp với các cơ quan liên quan để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn trong chủ động nghiên cứu, đánh giá và dự báo thời cơ, thách thức, xu hướng thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế

Tổng kiểm kê tài sản công, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn

Việt Nam - Singapore: Hướng tới nâng cấp khuôn khổ quan hệ song phương

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Xứng đáng với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội luôn luôn đồng cam, cộng khổ với nhân dân trong mọi lúc, mọi nơi

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Báo Công Thương là 'cầu nối' lan tỏa thông tin các hoạt động của Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài