Xu hướng tất yếu phát triển rừng cao su theo hướng bền vững Huyện Bảo Lâm, Cao Bằng: Những lo ngại từ thuốc diệt cỏ trôi nổi |
Chiều 19/5, thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng hoàn tất việc đặt bẫy ảnh tại khu vực rừng cao su và những vị trí giáp ranh ở xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm).
Cơ quan chức năng đặt bẫy ảnh xác minh thông tin nghi vấn hổ xuất hiện tại rừng cao su ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm. |
Việc này nhằm có kết quả để làm cơ sở xác minh thông tin có người dân chứng kiến động vật nghi giống hổ xuất hiện tại khu vực này. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để tuyên truyền, định hướng tới người dân địa phương tránh làm hoang mang dư luận. Trong trường hợp, đúng là cá thể hổ thì cơ quan chức năng sẽ triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt loài động vật nguy cấp, quý hiếm này.
Cũng theo Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, cùng với việc đặt bẫy ảnh, cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương phát thông báo đến người dân các khu vực cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn với khu vực phát hiện động vật hoang dã nghi là hổ.
Khu vực rừng tại xã Lộc Bảo nghi hổ xuất hiện. |
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng trấn an người dân không hoang mang, gây ảnh hưởng đời sống sản xuất, sinh hoạt. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng tuyên truyền người dân về các quy định nghiêm cấm mọi hành vi săn bắn khi phát hiện các loài động vật hoang dã, đặc biệt là cá thể nghi hổ được người dân phát hiện trước đó.
Trước đó, khoảng 5h30' ngày 8.5, trong lúc bốc mủ cao su ở lô 144, tiểu khu 373, một công nhân của Công ty Cổ phần cao su Bảo Lâm phát hiện một con thú lớn đang di chuyển.
Dấu chân động vật rừng để lại tại hiện trường nghi xuất hiện hổ |
Với khoảng cách 15m, công nhân này thấy con thú có màu xám, hình thù giống hổ, đang di chuyển về phía đám rừng lồ ô ven suối trên lâm phần quản lý bảo vệ của công ty.
Nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm phối hợp các đơn vị liên quan và công nhân phát hiện sự việc kiểm tra hiện trường.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số dấu chân, nhưng do trời mưa nên chưa xác định được dấu chân của loài động vật nào. Tại vị trí có cây cỏ bị đè xẹp nghi là chỗ nằm nghỉ của loài thú này, cơ quan chức năng cũng phát hiện và thu thập thêm được một số mẫu lông để lại tại hiện trường.