Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Công Thương: Đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả
Ứng dụng các mô hình trong giảng dạy |
Thứ trưởng có thể cho biết những nét chính trong lĩnh vực đào tạo của Bộ Công Thương hiện nay?
Bộ Công Thương hiện có 49 cơ sở đào tạo, trong đó, 34 cơ sở trực thuộc Bộ và 15 cơ sở của doanh nghiệp thuộc Bộ, trải đều khắp cả nước, (bao gồm 11 tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc; 23 ở đồng bằng sông Hồng; 5 ở Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; 10 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Quy mô các hệ đào tạo hàng năm của các cơ sở bao gồm trên 350.000 học sinh, sinh viên, trong đó có gần 1.000 thạc sỹ, gần 300.000 sinh viên đại học, cao đẳng...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Đến năm 2014, các cơ sở đã đào tạo trên 400 ngành, nghề khác nhau, chất lượng đào tạo khá cao, học sinh, sinh viên tốt nghiệp đạt trên 83%, loại giỏi 10,8%. Một con số đáng mừng là trên 50% học sinh, sinh viên có việc làm sau 6 tháng ra trường. Năm 2015, nhu cầu nhân lực của ngành Công Thương rất lớn. Riêng công nghiệp chế biến chiếm số lượng lớn nhất với 7,9 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với năm 2010 và chiếm 93,7% tổng số lao động trong ngành công nghiệp. Trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, số lượng lao động cũng tăng từ 5,6 triệu người năm 2010 lên gần 7 triệu người năm 2015. Giai đoạn 2011- 2015, số lao động tăng bình quân 4,7%/năm, số lao động qua đào tạo tăng bình quân 8,4%/năm. Đáng chú ý, số lao động có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học chiếm 29,8% tổng số lao động qua đào tạo. Bên cạnh những thành quả đó, lĩnh vực đào tạo của ngành Công Thương còn nhiều hạn chế do công tác tuyển sinh tại các hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp còn nhiều khó khăn, quy mô đào tạo chưa lớn, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành và xã hội... Nguyên nhân chính là do cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao...
Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Công Thương giai đoạn 2016- 2020 như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Ngành Công Thương phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ nhân lực chất lượng cao qua đào tạo bằng các hình thức và trình độ khác nhau trong giai đoạn 2016- 2020 từ mức 81% lên 91% năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành công nghiệp tăng từ 82% lên mức 92%; thương mại từ 79% lên 88%...Song hành với đó là việc xây dựng và phát triển hệ thống các cơ sở đào tạo của ngành Công Thương tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực, tập trung ưu tiên bổ sung nhân lực cho các phân ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn. Để làm được điều này, trước hết, sẽ đổi mới hệ thống các cơ sở đào tạo, đổi mới cơ chế tự chủ của các trường đại học, xây dựng và triển khai mô hình quản trị đại học tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý... Nhìn chung, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cao, để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới, vậy các cơ sở đào tạo của ngành Công Thương đã có quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như thế nào?
Từ nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo đã sớm thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, đối tác nước ngoài và hoạt động có hiệu quả. Trong Dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây, ngoài khoản vay từ Ngân hàng Tái chế phát triển (IBRD), WB sẽ hỗ trợ kỹ thuật giúp các trường phát triển mô hình đào tạo tiên tiến. Với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có 2 dự án Jica- HaUI và Jica- IUH. Dự án Jica- HaUI tăng cường năng lực đào tạo giáo viên kỹ thuật dạy nghề tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Dự án này đã tài trợ về quản lý các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên kỹ thuật dạy nghề theo chu trình PDCA (lập kế hoạch- thực hiện- kiểm tra- điều chỉnh), áp dụng thành công phương pháp CUDBAS (chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện). Dự án Jica- IUH về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp nặng- công nghiệp hóa chất tại Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh được triển khai từ tháng 11/2013 và bước đầu có kết quả khả quan. Dự án với Chính phủ Áo về nâng cấp giáo dục cơ khí, dự kiến thực hiện trong 2 năm, tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định, Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên và Cao đẳng Công nghiệp Cao Thắng với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 16 triệu Euro...
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bộ Công Thương tích cực triển khai thực hiện Nghị Quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014- 2017. Hiện tại có 4 trường thuộc Bộ đang thực hiện cơ chế này: Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Dệt may Hà Nội và Đại học Điện lực. |