Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 40% lao động được đào tạo nghề
CôngThương - Mặc dù Bình Phước đã thành lập được một số khu, cụm công nghiệp, nhưng vì không thu hút được doanh nghiệp nên chỉ tạo việc làm cho vài chục ngàn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Năm 2013, tỉnh đào tạo được hơn 10 ngàn lao động theo các trình độ khác nhau nhưng quý I/2014, chỉ 18 doanh nghiệp ở Bình Phước có nhu cầu tuyển gần 200 lao động. Hiện nay, tại địa phương đã xuất hiện không ít loại hình dịch vụ như cơ khí, sửa chữa máy móc, làm đẹp... nhưng người dân chẳng biết học nghề ở đâu. Từ nhiều năm nay, nghề mà tỉnh dạy cho lao động nông thôn chỉ là cạo mủ cao su.
Nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức đào tạo nghề gắn với nâng cao tay nghề cho lao động của doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).
Những hoạt động đào tạo nghề trong lĩnh vực khuyến công đã góp phần không nhỏ vào thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đào tạo một lực lượng lao động bổ sung vào ngành công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. |
Một số nghề tập trung đào tạo như: thêu tranh chữ thập, dệt thổ cẩm, làm chổi đót và chế biến điều, với tổng kinh phí hỗ trợ cho đào tạo gần 600 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Bên cạnh việc hỗ trợ nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và tay nghề điêu luyện cho các cơ sở CNNT trên địa bàn, các lớp đào tạo nghề còn góp phần khôi phục nghề truyền thống, bảo tồn và phát triển nghề thêu thủ công, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc S’tiêng. Sản phẩm thêu tranh chữ thập, dệt thổ cẩm của dân tộc S’tiêng có những nét văn hóa độc đáo riêng của vùng. Việc đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, đưa sản phẩm nhiều hơn đến với thị trường trong, ngoài tỉnh, duy trì ngành nghề truyền thống của địa phương. Phát triển nghề dệt thổ cẩm, ngoài việc giúp các cơ sở CNNT có được lực lượng vệ tinh làm ra nhiều sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, tạo điều kiện cho lao động người dân tộc STiêng có cơ hội học nghề, tìm việc làm, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trung tâm Khuyến công cũng tổ chức các lớp đào tạo cho lao động địa phương nghề làm chổi đót để tranh thủ thời gian nhàn rỗi, đặc biệt sau vụ thu hoạch nông sản như điều, cao su hoặc lao động thất nghiệp có cơ hội về việc làm ổn định, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, Bình Phước là tỉnh có thế mạnh về chế biến điều nên rất cần đội ngũ lao động có tay nghề. Năm 2013, trung tâm đã triển khai 7 lớp đào tạo nghề chế biến điều, với tổng số học viên tham gia 215 người. Thông qua các lớp đào tạo đã giúp cho lao động nhận biết, hiểu về quy trình sản xuất, có kỹ năng, kỹ thuật chế biến điều bảo đảm an toàn trong sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm. Lao động sau đào tạo được các cơ sở chế biến điều nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định, đồng thời góp phần cho cơ sở sản xuất chế biến tăng năng suất, thực hiện đúng tiêu chuẩn ISO, HACCP, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm…