CôngThương - Hôm nay (11/12), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Hội đồng Quốc gia và Phát triển nhân lực tổ chức hội thảo Phát triển nhân lực qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hòa – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Trong những năm gần đây, lĩnh vực dạy nghề nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, Đảng và Nhà nước tạo nhiều điều kiện phát triển đáp ứng nhu cầu nhân lực. Tuy nhiên chất lượng đào tạo dạy nghề còn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là những ngành nghề đòi hỏi các trình độ kỹ năng, kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, năng lực trình độ của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý vẫn còn hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành còn lạc hậu, hệ thống giáo trình chậm được cập nhật đổi mới...
Xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, các quốc gia thành viên phải cam kết luân chuyển lao động hướng tới tự do hóa lao động, đòi hỏi lao động phải có kỹ năng. Đây là những thách thức, đồng thời cũng là những cơ hội đối với lĩnh vực dạy nghề của Việt Nam. Thị trường lao động trong nước và thế giới đòi hỏi người lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp, nhưng hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đang xây dựng và bước đầu hướng tới chuẩn khu vực và thế giới. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia đã nêu rõ, đến năm 2020, 61,5% lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi năng lực đào tạo của hệ thống tăng trung bình 3,4% hàng năm từ nay đến năm 2020. Đối với yêu cầu nâng cao chất lượng từng bước hội nhập với khu vực và thế giới sẽ đòi hỏi có sự đột phá trong việc phát triển đội ngũ giáo viên, phát triển chương trình, giáo trình, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Theo ông Đặng Xuân Thức – Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), một số mục tiêu đã được đặt ra để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội đến năm 2020. Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, đào tạo mới trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 3,2 triệu người (trong đó 10% được đào tạo theo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo cơ chế Nhà nước đặt hàng đào tạo); đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng khoảng 7,8 triệu người (trong đó hỗ trợ dạy nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên cho lao động nông thôn khoảng 3,5 triệu người).
Đối với hệ thống các trường dạy nghề, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 450 trường cao đẳng (trong đó 115 trường ngoài công lập), 600 trường trung cấp (225 trường ngoài công lập), 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (350 trường ngoài công lập).